pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trên thế giới, Mỹ có ca tử vong thứ 12
Sau khi có 18 bang tại Mỹ xác nhận có các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19, ngày 5/3, giới chức y tế bang Washington đã thông báo trường hợp tử vong thứ 12 ở nước này.
Các nỗ lực nhằm tìm cách ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 trên toàn nước Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút.
Theo thống kê, trong 12 ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ có 11 trường hợp ở bang Washington và một ca ở bang California. Bang Washington có số ca tử vong cao nhất tại Mỹ là do dịch COVID-19 bùng phát tại một cơ sở điều dưỡng ở ngoại ô thành phố Seattle.
Trong khi đó, cùng ngày, Brazil xác nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ 8, trong đó có các trường hợp có thể lây nhiễm trong cộng đồng địa phương.
Theo Bộ Y tế của quốc gia Nam Mỹ này, dịch COVID-19 hiện đã lan đến thành phố du lịch Rio de Janeiro và bang Espirito Santo lân cận.
Bộ trên cho biết hiện có 6 bệnh nhân ở bang Sao Paolo, trong khi hai bang Rio de Janeiro và Espirito Santo đều có 1 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế Brazil cũng đã ghi nhận các trường hợp lây truyền bệnh đầu tiên ở bên trong quốc gia Nam Mỹ này, khi các bệnh nhân trước đó là những người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước ngoài và sau đó trở về Brazil.
Đáng chú ý, có hai trường hợp đã nhiễm phải loại virus này từ một người đàn ông ở Sao Paulo là bệnh nhân đầu tiên được xác nhận nhiễm COVID-19 ở Brazil.
Cũng theo bộ trên, một cậu bé 13 tuổi - nằm trong số những ca bệnh mới được xác nhận - có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, nhưng không có triệu chứng nhiễm bệnh.
Còn tại châu Á, điểm sáng đáng lưu ý là Triều Tiên đã ngừng cách ly 221 người nước ngoài.
Ngày 6/3, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, Bình Nhưỡng đã bãi bỏ chế độ cách ly đối với 221 người nước ngoài do những lo ngại về dịch COVID-19.
Theo Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), 221 người vừa đề cập nằm trong số khoảng 380 công dân nước ngoài bị đưa vào chế độ cách ly nhằm ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trên lãnh thổ quốc gia Đông Bắc Á này.
Mặc dù KCNA không đề cập đến thành phần của những người nước ngoài bị cách ly, song các thông tin của báo giới cho biết các nhà ngoại giao nước ngoài đã được kết thúc 1 tháng cách ly ở Bình Nhưỡng.
Tại Israel, ngày 5/3, nước này đã ghi nhận thêm một trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân được chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2 lên 17 người.
Bộ Y tế Israel cho biết bệnh nhân trên đã bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong thời gian du lịch tới Italy, hiện sinh sống ở miền Trung Israel, và trở về nước hôm 29/2. Người đàn ông này ngay lập tức lái xe về nhà trên một chiếc xe riêng và di chuyển tới khu vực cách ly.
Bộ trên đã yêu cầu tất cả hành khách trên cùng chuyến bay với bệnh nhân này phải tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.
Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 30 ngày sau khi phát hiện trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở thị trấn Bethlehem ở khu Bờ Tây.
Tương tự, cùng ngày, Bộ Y tế Iraq đã ghi nhận thêm 3 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở quốc gia Trung Đông này lên 38 trường hợp, trong đó có 3 ca tử vong.
Theo thông báo của bộ trên, 2 trường hợp nhiễm mới được ghi nhận ở tỉnh Kirkuk, miền Bắc Iraq và trường hợp thứ 3 ở tỉnh Wasit, miền Đông nước này. Nhà chức trách Iraq đã áp dụng một loạt biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm căn bệnh nguy hiểm này.
Tại nước láng giềng Iran, truyền thông Trung Đông ngày 5/3 đưa tin, ông Hossein Sheikholeslam - cựu Đại sứ Iran tại Syria và cũng là cựu cố vấn của Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, đã tử vong do COVID-19.
Theo Al Arabiya, truyền thông Iran cách đây chỉ vài ngày đưa tin, ông Sheikholeslam đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, ông Mohammad Sadr - thành viên Hội đồng Phân xử khẩn cấp của Iran - cũng được cho là đã nhiễm COVID-19. Ông này được cho là cố vấn cấp cao cho Ngoại trưởng Iran Zarif.
Trước trường hợp của quan chức này, cũng đã có một loạt quan chức cấp cao Iran nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trước đó cùng ngày, Iran đã khởi động kế hoạch quốc gia nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19. Động thái này diễn ra trong bối cảnh số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Iran đã lên tới 107 người, trong khi số trường hợp mắc bệnh là 3.513 ca.
Cùng ngày, hãng thông tấn quốc gia Liban (NNA) cho biết Bộ Y tế Liban đã xác nhận thêm 1 trường hợp mắc virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh này ở quốc gia Trung Đông này lên 16 người.
Tại châu Phi, truyền thông châu Phi ngày 5/3 đưa tin, một nhân viên của Liên hợp quốc hiện nằm trong số 4 người ở Senegal có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây cũng là nhân viên đầu tiên của Liên hợp quốc nhiễm virus SARS-CoV-2 trên phạm vi toàn cầu.
Liên hợp quốc cho biết trường hợp nêu trên là một phụ nữ và cũng là một trong số những nhân viên của Liên hợp quốc đang làm việc ở Senegal, bệnh nhân đang được điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Dakar. Nhà chức trách Senegal đang tiến hành xét nghiệm những người từng tiếp xúc với bệnh nhân này.
Nhiều chuyên gia y tế đã bày tỏ lo ngại về tính chất dễ bị tổn thương của châu Phi trước sự bùng phát của dịch COVID-19, hiện đang lây lan nhanh chóng và có nhiều diễn biến phức tạp.
Trước đó, Senegal ngày 4/3 đã thông báo về 2 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có một phụ nữ người Anh, 33 tuổi, vừa trở lại Dakar sau chuyến đi London.
(TTXVN/Vietnam+)