Dịch sốt xuất huyết lớn có nguy cơ xảy ra vào cuối năm 2022

Tiểu Vy
22/10/2022 - 23:06
Dịch sốt xuất huyết lớn có nguy cơ xảy ra vào cuối năm 2022
Bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó các gia đình cần chủ động phòng bệnh.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. 

Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Dịch sốt xuất huyết lớn có nguy cơ xảy ra vào cuối năm 2022

Đáng nói, theo thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng, đỉnh điểm có thể là tháng 11-12.

PGS. TS Đỗ Duy Cường (Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Theo chu kỳ, 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một vụ dịch sốt xuất huyết lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, nếu trong tháng 8 số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 bệnh nhân, thì con số này tăng lên 160 vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250.

Dịch sốt xuất huyết lớn có nguy cơ xảy ra vào cuối năm 2022: Cảnh báo những đối tượng mắc sốt xuất huyết dễ bị trở nặng - Ảnh 1.

Các chuyên gia y tế cho biết, dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân sốt xuất huyết bao gồm: Vật vã, lừ đừ, đau bụng nhiều; nôn ói nhiều, chảy máu chân răng, mũi, nôn ra máu, tiêu tiểu ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường, tiểu ít; thể tích hồng cầu tăng nhưng tiểu cầu giảm nhanh, gan to… Nếu có một trong các dấu hiệu này, người bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Những đối tượng mắc sốt xuất huyết dễ bị trở nặng

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm (Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên): Trẻ dưới 1 tuổi, người thừa cân béo phì, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền… là nhóm người dễ bị sốt xuất huyết nặng, dễ dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. 

Cụ thể là:

1. Phụ nữ mang thai         

Việc chăm sóc, điều trị cho phụ nữ mang thai khó khăn hơn người bình thường. Thai phụ phải nhập viện sớm, theo dõi diễn tiến bệnh sát sao để kịp thời phát hiện dấu hiện cảnh báo. 

Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết trong lúc sinh, khả năng băng huyết sau sinh rất ca. Mẹ bị sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể khiến trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc thậm chí thai nhi chết lưu.

ba-bau-bi-sot-xuat-huyet-3-thang-dau-co-anh-huong-den-thai-nhi-khong-gold-dha.jpeg

2. Người béo phì

Ở những người béo phì bị sốt xuất huyết, dễ dẫn đến biến chứng nặng do thể trạng mập phì, thuộc nhóm miễn dịch kém hơn người bình thường, mập phì thường đi kèm với các bệnh nội khoa khác như tăng huyết áp. 

Vấn đề bù dịch trên bệnh nhân mập phì cũng khó tính toán chính xác so với người bình thường, vấn đề thực hiện các thủ thuật điều trị cũng khó khăn hơn. Do đó người mập phì nên nhập viện ngay để theo dõi và chủ động hơn trong điều trị.

3. Trẻ dưới 1 tuổi

Đối với trẻ em dưới 1 tuổi, hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện, khó có thể chống chọi được sự tấn công rầm rộ của virus gây bệnh. Do đó, trẻ dễ vào sốc, tái sốc và gặp biến chứng nặng, thường gặp là suy đa tạng, suy hô hấp dẫn tới tử vong.

Bên cạnh đó, dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ cũng không rõ ràng, có thể kèm theo triệu chứng của các bệnh lý tiêu hóa, hô hấp như nôn ói, tiêu chảy, hay ho, sổ mũi... Trẻ dễ bị chẩn đoán nhầm bệnh và điều trị sai hướng.

Thêm nữa, trẻ chưa nói được các khó chịu của bản thân, việc phát hiện triệu chứng, dấu hiệu trở nặng hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan sát, theo dõi của phụ huynh. Vì thế, bệnh nhi có nguy cơ nhập viện trễ.

20220622_sot-xuat-huyet-trieu-chung-1.jpeg

4. Người có bệnh nền

Qua thực tế điều trị, các bác sĩ cho biết, những bệnh nhân đang dùng thuốc kháng đông máu, có tiền căn viêm dạ dày tá tràng, cơ địa dễ chảy máu, có bệnh lý về huyết học... khi mắc sốt xuất huyết dễ bị rối loạn đông máu, nguy cơ chảy máu cao hơn. 

Đặc biệt, người đã có vết loét do xuất huyết tiêu hóa có khả năng bị tái chảy máu ồ ạt tại chính vị trí đó. Trường hợp bệnh nhân không được cấp cứu, cầm máu kịp thời, có thể sốc mất máu, suy đa tạng và tử vong.

6 điều cần làm để phòng bệnh sốt xuất huyết

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

6 điều cần làm để phòng bệnh sốt xuất huyết:

1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

Sot-xuat-huyet-1.jpeg

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

(Tổng hợp)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm