Điểm lại những phong trào phụ nữ sôi nổi trong chiến tranh chống Mỹ

P.V
15/06/2020 - 19:25
Điểm lại những phong trào phụ nữ sôi nổi trong chiến tranh chống Mỹ

Phụ nữ hăng hái tham gia phong trào "Ba đảm đang"

Trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, Hội LHPN Việt Nam đã phát động nhiều phong trào để tăng gia sản xuất, ủng hộ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam.

Đầu tiên phải kể đến phong trào Kết nghĩa Bắc Nam. Trong thời điểm Đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, lấy cớ tiến hành cuộc chiến tranh leo thang ra miền Bắc, miền Bắc bước vào thời kỳ lịch sử mới, chuyển hướng xây dựng kinh tế và tập trung sức lực cao nhất cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam. Trung ương Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo các cấp Hội vận động hội viên, phụ nữ thực hiện phong trào thi đua với tính chất riêng đó là phong trào Kết nghĩa Bắc Nam, tỉnh kết nghĩa với tỉnh, huyện kết nghĩa với huyện, xã kết nghĩa với xã.

Trong các chiến dịch sản xuất mang tên tỉnh kết nghĩa, phụ nữ tham gia rất đông và đạt năng suất cao, điển hình như 14.000 phụ nữ tỉnh Hà Nam tham gia chiến dịch Rực lửa đêm đông, Đồng Nai quật khởi, Phụ nữ Hải Phòng có phong trào Hũ gạo tiết kiệm vì miền Nam góp được 1.000 tấn…

Cũng trong giai đoạn này, thực hiện khẩu hiệu Tất cả vì miền Nam ruột thịt, toàn miền Bắc đã dấy lên một trong phào tình nguyện vào Nam chống Mỹ. Khắp nơi, nữ thanh niên nô nức lên đường tòng quân, xung phong đi chiến đấu. Phụ nữ các địa phương hăng hái làm đơn tình nguyện gửi các cấp ủy Đảng, tổ chức chính quyền, quân đội và Hội Phụ nữ xin được làm thêm những công việc của nam giới để thay thế anh em đi chiến đấu.

Bác Hồ thăm Nhà máy dệt 8/3 năm 1965

Bác Hồ thăm Nhà máy dệt 8/3 năm 1965

Phong trào Ba đảm nhiệm (sau đổi tên thành Ba đảm đang) được TW Hội LHPN Việt Nam phát động vào ngày 18/3/1965.

Từ giữa năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, Ban Bí thư đã nêu rõ nhiệm vụ chủ yếu của công tác vận động phụ nữ trong giai đoạn cách mạng này là: Đẩy mạnh sản xuất, bảo vệ sản xuất và phục vụ đời sống, phục vụ chiến đấu. Phương châm lúc này là: tổ chức phải sắp xếp gọn nhẹ, an toàn và hiệu quả.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Hội LHPN Việt Nam chú trọng chỉ đạo, đặt lên hàng đầu công tác đào tạo nâng cao trình độ và giáo dục tư tưởng cho cán bộ Hội cấp cơ sở và hội viên. Hội chủ động phối hợp  với Bộ Lao động và Bộ Giáo dục mở các trường lớp để giáo dục phụ nữ và tuyên truyền về phong trào.

Mục đích của phong trào Ba đảm nhiệm là giáo dục, động viên phụ nữ nhận rõ tình hình mới, nhận rõ trách nhiệm để quyết tâm đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu.

Xuất phát từ tình hình nhiệm vụ và yêu cầu thực hiện của phong trào Phụ nữ, sau khi phong trào được phát động một thời gian ngắn, để chỉ đạo và triển khai kịp thời phong trào đến các cấp Hội và hội viên, Ban Thường trực Trung ương Hội LHPN Việt Nam ra Chỉ thị số 03/CT về mở cuộc vận động Ba đảm đang trong phụ nữ, tăng cường đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu.

Chỉ thị xác định rõ nhiệm vụ cấp thiết của Hội LHPN Việt Nam lúc này là giáo dục, động viên toàn thể phụ nữ nhận rõ tình hình, nhiệm vụ mới, thấy rõ trách nhiệm để có sự chuyển biến về tư tưởng, tình cảm cũng như trong hành động, phát huy truyền thống và lực lượng cách mạng tiềm tàng của phong trào phụ nữ nước ta. Từ định hướng chỉ đạo này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi ý cho Hội LHPN Việt Nam sửa tên phong trào Ba đảm nhiệm thành phong trào Ba đảm đang.

Tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, ngày 19/10/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: "Phong trào 5 tốt của phụ nữ miền Nam, phong trào Ba đảm đang của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân". Người cũng đã khen tặng phụ nữ Việt Nam 12 chữ vàng: Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước.

Nguồn: Theo tài liệu Trung ương Hội LHPNVN
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm