pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điểm mới trong nhiệm vụ Xây dựng gia đình Việt Nam, môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em
Bà Trương Thị Thu Thủy chia sẻ về chuyên đề tại Hội nghị
Ở nhiệm vụ "Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em", điểm mới so với nhiệm kỳ trước chính là việc triển khai cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" với yêu cầu cao hơn, gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
2 nội dung mới lần đầu tiên đươc đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là: Mục tiêu đảm bảo bình đẳng giới được đưa vào 2 chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2030; Nội dung Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam và đảm bảo bình đẳng giới.
Chương trình "Mẹ đỡ đầu" là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác trẻ em của Hội, phát động trên địa bàn cả nước: hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Đề xuất 1 chính sách/đề án hỗ trợ phụ nữ là lao động di cư có con dưới 36 tháng tuổi gửi trẻ.
2 chỉ tiêu trọng tâm
Nhiệm kỳ 2022 - 2027, nội dung này được tổ chức triển khai với chỉ tiêu đặt ra là đến cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội hỗ trợ 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được phát hiện tiếp cận ít nhất 1 dịch vụ trợ giúp xã hội.
Hằng năm, mỗi cơ sở Hội vận động, hỗ trợ thêm 5 hộ gia đình đạt tiêu chí "gia đình 5 không, 3 sạch" hoặc "gia đình 5 có, 3 sạch" (đối với địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu), phấn đấu cả nước giúp được thêm 55.000 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí; mỗi cơ sở Hội đăng ký và thực hiện 1 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh (trong chỉ tiêu này, cơ sở Hội được hiểu là Hội Phụ nữ xã/phường/thị trấn).
8 nội dung cơ bản
Cùng với đó, nội dung "Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em" ở nhiệm kỳ này cũng đặt ra nhiệm vụ và giải pháp với 8 nội dung, cụ thể:
Triển khai cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" với các tiêu chí cụ thể, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc.
Tập trung thực hiện có chất lượng nội dung "vun đắp giá trị gia đình Việt Nam" đã được giao cho Hội chủ trì và phối hợp thực hiện các tiêu chí liên quan đến gia đình và bình đẳng giới trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2030.
Triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu" đối với trẻ em mồ côi và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đề xuất chính sách/đề án hỗ trợ phụ nữ là lao động di cư có con dưới 36 tháng tuổi gửi trẻ.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án "Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ".
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ thông qua mở rộng hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý.
Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là sản xuất an toàn, chế biến an toàn, tiêu dùng an toàn. Thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn thư, tập trung năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và cơ chế kết nối trong hệ thống Hội.
Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho phụ nữ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy vai trò đại diện của tổ chức Hội trong các ban chỉ đạo/ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp, trọng tâm là "hậu cần tại chỗ" trong phương châm "4 tại chỗ".