Điểm tên 5 loại ung thư đặc thù ở phụ nữ

25/03/2017 - 07:00
Theo PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật (BV Đa khoa Medlatec, Hà Nội), ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng, niêm mạc tử cung, nhau thai là 5 loại ung thư nữ giới thường mắc. Nếu phát hiện sớm, điều trị phù hợp thì cơ hội chữa khỏi các căn bệnh này sẽ tăng lên.
Ung thư vú

Đây là loại ung thư phổ biến ở nữ giới. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,2 triệu người mắc căn bệnh này. Con số này tại Việt Nam là khoảng 12.000 trường hợp. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Cụ thể, nếu phát hiện ung thư vú (UTV) ở giai đoạn 1, cơ hội chữa khỏi lên tới gần 90%; ở giai đoạn 2, cơ hội chữa khỏi là 80%; ở giai đoạn 3 là 60%. Nếu chưa di căn ra mô xung quanh và hạch bạch huyết tỷ lệ sống sót là 100%. Còn nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ.
ung.jpg
Để phát hiện sớm bệnh ung thư vú, chị em cần kiểm tra hằng ngày, xét nghiệm máu
Những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến UTV như: Tiền sử gia đình có chị, em gái, mẹ bị ung thư; người thừa cân, béo phì, hút thuốc lá... Để phát hiện sớm bệnh UTV, chị em cần tự kiểm tra hằng ngày; xét nghiệm máu. Ngoài ra, chị em nên đi chụp X-quang tuyến vú hoặc siêu âm tuyến vú định kỳ; trong trường hợp có khối u sẽ làm sinh thiết tuyến vú.

Để phòng bệnh UTV, chị em cần duy trì thể trọng, ăn ít chất béo và có phương án giảm cân nếu bị béo phì; không uống rượu, bia, không hút thuốc lá và chất kích thích; uống ít cà phê. Bên cạnh đó, cần hạn chế căng thẳng và tầm soát UTV định kỳ.

Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở nữ giới. Nếu được phát hiện sớm, 92% người mắc bệnh này có thể được chữa khỏi. Độ tuổi thường gặp UTCTC là từ 30 đến 59. Khi bị UTCTC, chị em có triệu chứng điển hình là chảy máu âm đạo ở bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục. Căn bệnh này có thể gặp ở những người sinh đẻ nhiều lần; có nhiều bạn tình, bị nhiễm virus đường sinh dục; phụ nữ hút thuốc lá, dùng thuốc ức chế, giảm miễn dịch; con gái của những phụ nữ điều trị bằng thuốc chống sảy thai trong thời kỳ mang thai.

Để tầm soát UTCTC, chị em nên định kỳ phết tế bào âm đạo cổ tử cung. Ngoài ra, chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần; siêu âm tử cung phần phụ, siêu âm đầu dò âm đạo; nội soi cổ tử cung để được phát hiện sớm.

Ung thư nội mạc tử cung

Ung thư nội mạc tử cung thường được phát hiện ở giai đoạn đầu bởi nó thường gây chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh. Các yếu tố nguy cơ gồm: Không có thai; không thường xuyên rụng trứng; béo phì; chế độ ăn giàu chất béo; bệnh tiểu đường...

Chị em cần đến gặp bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng của căn bệnh này, bao gồm chảy máu âm đạo không liên quan đến “đèn đỏ”, đau vùng chậu hoặc đau khi giao hợp.

Ung thư buồng trứng

 Loại ung thư này được gọi là “sát thủ thầm lặng” đối với phụ nữ trên 55 tuổi. Ung thư buồng trứng thường không có các dấu hiệu sớm, thường đến giai đoạn muộn mới xuất hiện các biểu hiện như khó chịu hoặc đau ở vùng bụng, vùng chậu dữ dội, kinh nguyệt không đều, lông, tóc mọc quá mức, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón hoặc đi tiểu thường xuyên; kém ăn; đầy bụng ngay cả sau bữa ăn nhẹ; tăng hoặc giảm cân không rõ lý do; chảy máu âm đạo bất thường.

Ung thư buồng trứng thường gặp ở những người tiền sử gia đình có mẹ, chị em gái bị bệnh; những người từ 50 tuổi trở lên; phụ nữ chưa từng sinh con; bản thân có tiền sử bị UTV hoặc ung thư đại tràng; dùng thuốc kích thích phóng noãn.

Để phát hiện bệnh sớm, cần khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần; siêu âm tử cung phần phụ, siêu âm đầu dò âm đạo. Chụp CT scaner ổ bụng khi siêu âm có nghi ngờ và làm các xét nghiệm máu.

Ung thư nhau thai

Ung thư nhau thai có nguồn gốc từ sự đột biến gene của những tế bào hình thành các tổ chức có nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai như: Bánh nhau, cuống rốn. Ung thư này thường hay gặp ở những phụ nữ sau nạo hút thai. Những dấu hiệu điển hình của ung thư nhau thai là chảy máu âm đạo bất thường, chân phù nề sớm, bụng to nhanh và lớn hơn nhiều so với tuổi thai...

Các trường hợp có ra máu bất thường sau sinh, sau sảy thai, sau chửa ngoài tử cung đều nên đến khám phụ khoa, siêu âm và xét nghiệm Beta-hCG theo chỉ định của bác sĩ. Nếu phát hiện sớm thì tiên lượng điều trị thành công rất cao và có khả năng cao bảo tồn tử cung, cũng như phần phụ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm