pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điểm tựa giúp người dân Lai Châu vươn lên thoát nghèo

Mô hình nuôi hươu sao từ vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội
Trong hơn 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp Lai Châu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2024 đạt 4.049.633 triệu đồng; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách là 4.043.553 triệu đồng với 54.306 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ tăng 88 lần với 3.997.618 triệu đồng so với thời điểm thành lập. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,6%; nợ quá hạn liên tục giảm hằng năm, từ 1,6% thời điểm nhận bàn giao đến nay xuống còn 0,06%, đặc biệt ở nhiều xã không có nợ quá hạn.
Cho đến nay, sau hơn 20 năm đồng hành và phát triển, Ngân hàng chính sách xã hội Lai Châu đã giải ngân cho 304.787 lượt hộ nghèo, hộ chính sách khác được vay vốn với tổng số tiền 9.938.617 triệu đồng thông qua 18 chương trình tín dụng. Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã có 72.765 lượt hộ nghèo đã thoát khỏi ngưỡng nghèo, tạo việc làm mới cho 28.063 người lao động. 653 lao động được vay vốn để đi lao động có thời hạn tại nước ngoài, 9.893 học sinh, sinh viên được vay vốn để đi học và mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến. Xây mới được 72.005 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 7.837 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn để làm nhà.

Mô hình trồng chè ở huyện Tân Uyên (cũ), tỉnh Lai Châu
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2003 đến 2024, đóng góp trong tăng trưởng GDP hàng năm bình quân trên 10%/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4,3%/năm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng 39/106 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nguồn vốn tín dụng không chỉ góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen mà còn tạo nguồn lực cho các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, phát triển mô hình sản xuất tập trung như chăn nuôi đại gia súc, trồng trọt, bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng.
Có thể thấy các chính sách tín dụng ưu đãi không chỉ giúp người dân Lai Châu thoát nghèo mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc tiếp tục phát huy hiệu quả của nguồn vốn này gắn với các giải pháp hỗ trợ sinh kế bền vững, sẽ là "chìa khóa" giúp Lai Châu giảm nghèo nhanh và hướng tới sự phát triển bền vững.