Điều dưỡng viên - Điểm tựa hy vọng của người bệnh

Thùy Trang - Ảnh: Công Thắng
26/02/2021 - 14:35
Điều dưỡng viên - Điểm tựa hy vọng của người bệnh

Dù điểu dưỡng viên ít được nhắc đến nhưng hơn ai hết, chính người bệnh hiểu nhất sự cao cả của nghề điều dưỡng

Điều dưỡng viên (ĐDV) là công việc đầy vất vả nhưng lại vô cùng thầm lặng. Với nhiều người bệnh, ĐDV còn là điểm tựa tinh thần, đem lại những hạnh phúc, hy vọng trong những tháng ngày nằm viện.

Đó là lời tâm sự chân thành của ĐDV Nguyễn Thu Hiền (khoa Bệnh máu Trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương). Vốn là một cô gái giàu cảm xúc và rất yêu trẻ em, Hiền thường hay xúc động trước những hoàn cảnh khó khăn của các em nhỏ. Cho tới khi làm nghề điều dưỡng, Thu Hiền lại được phân công làm việc tại khoa Bệnh máu trẻ em – nơi có rất nhiều bệnh nhi mang bệnh máu từ lành tính đến ác tính.

Điều dưỡng viên - Điểm tựa hy vọng của người bệnh - Ảnh 1.

Điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hiền rất dễ xúc động trước hoàn cảnh của các bệnh nhân nhi

“Khi biết mình được phân công về Nhi, mình vừa thấy sợ, vừa lo lắng và cũng có 1 chút áp lực nữa, mình sợ nhìn thấy cảnh các bé bị bệnh tật hành hạ”.

Dù đã gắn bó 5 năm với nghề nhưng cô điều dưỡng trẻ vẫn không thôi xúc động khi kể về các bệnh nhi của mình: “Mình cảm thấy stress nhất là khi lấy ven. Lấy ven cho các em nhỏ rất khó, có bé lấy 5, 7 lần vẫn không được. Nhìn các bé khóc vì đau đớn mà mình cũng thấy xót ruột, thương vô cùng”.

Nhiều người cho rằng người làm ngành y lâu ngày, tiếp xúc với quá nhiều nỗi đau bệnh tật thì cảm xúc dần dần sẽ chai sạn, nhưng với Thu Hiền cho đến nay vẫn hết lòng thương bệnh nhi như chính những người em, người cháu trong gia đình mình. Có khoảng thời gian Hiền đã khóc ngay cả khi về nhà sau khi chứng kiến những em bé khóc đến tím tái vì đau, vì sợ tiêm truyền.

“Thời gian đầu mình đã từng muốn chuyển sang khoa khác vì thương quá không chịu nổi. Nhưng được gia đình động viên và các anh chị em trong khoa nhiệt tình giúp đỡ rất nhiều, mình tự an ủi bản thân phải mạnh mẽ lên, giờ đây chính những ánh mắt ngây thơ và nụ cười của các bé đã trở thành động lực cho mình cố gắng mỗi ngày trong công việc” – Thu Hiền chia sẻ.

Với ĐDV Nguyễn Thu Hiền, mong muốn lớn nhất chính là các em nhỏ không còn phải chịu những nỗi đau bệnh tật dày vò, luôn được vui vẻ hồn nhiên và sớm được điều trị lui bệnh để được về đi học như các bạn.

Điều dưỡng viên - Điểm tựa hy vọng của người bệnh - Ảnh 2.

Điều dưỡng viên Cao Thị Yến

ĐDV Cao Thị Yến (Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) đã có 6 năm gắn bó với công việc chăm sóc người bệnh. Yến lựa chọn theo học ngành Y vì muốn chăm sóc cho bà của mình những khi đau yếu. Niềm đam mê với nghề của Yến xuất phát từ những năm tháng đi thực tế, thực tập tại các bệnh viện, chứng kiến nhiều người bệnh với hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, cô điều dưỡng viên năng động đã tự nhủ với bản thân sẽ cố gắng chăm sóc thật nhiều người bệnh để giúp họ vơi bớt đi nỗi đau bệnh tật.

Điều dưỡng viên - Điểm tựa hy vọng của người bệnh - Ảnh 3.

Chị Yến yêu thương người bệnh như chính những người thân trong gia đình

Càng gắn bó với nghề điều dưỡng, Yến lại càng thêm yêu thương bệnh nhân với tình thương như ruột thịt, câu cửa miệng của chị khi kể về người bệnh tan máu bẩm sinh luôn là: “Bệnh nhân nhà mình…”. Trung tâm Thalassemia dường như là một ngôi nhà chung mà người bệnh, bác sĩ và nhân viên y tế đều thương nhau như người trong gia đình.

Bản thân Yến cũng có rất nhiều kỷ niệm với người bệnh của mình, chị rất ấn tượng về bệnh nhi Phương Dung vì lúc đầu lấy ven cho bé Dung rất khó, bé khóc, la hét rồi giẫy đạp làm các chị rất vất vả để tiêm, truyền. Nhưng bây giờ bé đã quen và rất ngoan khi được lấy ven, sau đó bé có nói: “Các cô tiêm làm đau con là các cô ác, nhưng phải tiêm thì cô mới chữa được bệnh cho con”. Chính sự ngây thơ, hồn nhiên của bé đã khiến cho Yến vừa vui lại vừa thương và lấy đó làm niềm động viên để cống hiến nhiều hơn nữa cho công việc.

Bệnh nhi Minh Ánh cũng rất thân thiết với chị Yến, bé thường tâm sự và kể nhiều câu chuyện dễ thương cho cô điều dưỡng mà mình yêu quý. Minh Ánh còn có một mong muốn rất đáng yêu đó là “Góp tiền cho cô Yến đi thi Hoa hậu”. Có lẽ đối với em, cô điều dưỡng dịu dàng luôn chăm sóc em mỗi khi vào viện chính là người xinh đẹp nhất.

Điều dưỡng viên - Điểm tựa hy vọng của người bệnh - Ảnh 4.

"Mong ước lớn nhất của mình là lúc nào cũng có đủ máu để truyền cho người bệnh" - Chị Yến chia sẻ

Chị Yến tâm sự: “Làm việc lâu, mình đã quen với việc theo dõi, chia sẻ và làm bạn với người bệnh, cả người lớn và trẻ nhỏ. Bệnh nhân nhà mình do đặc tính bệnh phải điều trị lâu dài nên đã rất quen với Viện, nhiều bạn nhỏ còn rất thích vào Viện, có bạn kể mỗi tháng chỉ chờ đến lúc được vào viện gặp các cô. Bản thân mình cũng vậy, sự yêu thương của người bệnh giúp mình không còn căng thẳng dù làm việc nhiều đến đâu. Có những hôm ở nhà có chuyện áp lực làm mình stress vậy mà đến viện, gặp bệnh nhân là mình lại thấy thoải mái, nhẹ nhõm vô cùng".

Những ngày vừa qua, dịch Covid bùng phát trở lại khiến cho lượng máu dự trữ bị thiếu trầm trọng, bệnh nhân tan máu bẩm sinh là người chịu hậu quả nặng nề nhất vì không có máu để truyền. Nhắc đến thời gian ấy, chị Yến không tránh khỏi xúc động: “Những ngày giáp Tết, bệnh nhân của mình cứ đợi máu hàng ngày, mỗi lần chỉ được truyền 100ml máu, cứ như vậy không biết đến bao giờ mới được truyền đủ máu để về ăn Tết. Mong ước lớn nhất của mình là lúc nào cũng có đủ máu để truyền cho người bệnh. Người bệnh được khỏe mạnh chính là niềm vui lớn nhất của mình.”

Cùng với chị Hiền và chị Yến là rất nhiều ĐDV khác vẫn hàng ngày chăm sóc cho bệnh nhân, giúp họ giảm bớt những đau đớn khi điều trị bệnh. Dù ít được nhắc đến, nhưng hơn ai hết chính người bệnh là người hiểu nhất sự cao cả của nghề điều dưỡng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm