pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điều tra vụ 2 sinh viên tử vong, 6 người nhập viện sau cuộc nhậu
Một bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện
Ngày 6/8, Công an TP Thủ Đức (TPHCM) phối hợp cùng cơ quan chức năng điều tra vụ 2 sinh viên tử vong, 6 người nguy kịch nghi do ngộ độc rượu xảy ra trên địa bàn.
Theo thông tin ban đầu, vào tối 4/8, một nhóm 8 người tổ chức ăn uống tại quán nhậu trên đường Tăng Nhơn Phú (phường Phước Long B, TP Thủ Đức), có uống rượu không rõ nguồn gốc.
Sau đó, một người được phát hiện tử vong tại phòng trọ, 7 người còn lại được chuyển đến bệnh viện cấp cứu, trong đó 1 người sau đó tử vong tại bệnh viện.
Thông tin từ Bệnh viện Lê Văn Việt cho biết, BV có tiếp nhận 4 bệnh nhân nhập viện vào ngày 5/8. Trong đó, một bệnh nhân nguy kịch, hôn mê, đã tử vong. Do tình trạng các bệnh nhân quá nặng, hai người được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Một ca nhẹ hơn được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức.
Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, từ 15-19h ngày 5/8, Bệnh viện liên tục tiếp nhận 4 trường hợp bệnh nhân (2 nam, 2 nữ) chuyển tuyến với chẩn đoán ngộ độc methanol. Trong đó có 1 trường hợp bị toan chuyển hoá nặng, thở máy và 1 trường hợp phải lọc máu điều trị tại khoa Hồi sức - Tích cực chống độc. 2 trường hợp còn lại đang được theo dõi, điều trị tại Khoa Nội tiết - thận. Hiện các bác sĩ bệnh viện vẫn đang theo dõi và điều trị tích cực cho các trường hợp bệnh nhân này.
Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức vẫn đang điều trị cho hai bệnh nhân trong nhóm này. Trước đó, Bệnh viện tiếp nhận hai bệnh nhân (1 nam, 1 nữ) trong tình trạng ngộ độc rượu nặng, nồng độ methanol trong máu rất cao. Do hai bệnh nhân hôn mê nên được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực và chống độc, đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu.
Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau như làm sơn, dung môi... Tuy nhiên, chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Ngộ độc rượu từ ethanol thường nhẹ hơn, chỉ có các triệu chứng như say rượu nhưng ngộ độc rượu do methanol thì thường nặng hơn do bị pha cồn công nghiệp vào đồ uống.