Sáng nay 20/7, Bộ LĐ-TB&XH và Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu phương pháp luận về nghèo đa chiều trẻ em và lồng ghép vào nghèo đa chiều quốc gia.
Đại diện nhóm nghiên cứu Báo cáo nghèo đa chiều trẻ em Việt Nam, TS Nguyễn Việt Cường cho biết: Chính phủ đã thông qua phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều và chỉ số nghèo đa chiều từ năm 2015. Tuy nhiên, phương pháp đo lường nghèo ở cấp hộ gia đình và chỉ tập trung chủ yếu ở khía cạnh vật chất và phúc lợi. Nếu chỉ dựa vào các chỉ số nghèo cấp hộ gia đình, nhiều trẻ em dễ bị tổn thương sống trong các gia đình không nghèo, có nguy cơ bị bỏ qua.
Trong khi đó, trẻ em có những nhu cầu cụ thể về phát triển và tình cảm xã hội. Thậm chí, có những trẻ bị phân biệt đối xử tệ hơn các thành viên khác trong gia đình vì giới tính, tình trạng khuyết tật, con nuôi… Hoặc những trẻ có những tổn thương đặc thù không được phương pháp đo lường cho hộ gia đình tính đến; cụ thể là thiếu hụt là đo lường về sức khỏe, học tập và dinh dưỡng.
Cũng theo nghiên cứu này của UNICEF, tình trạng nghèo đa chiều trẻ em tập trung cao ở vùng trẻ em dân tộc thiểu số, chịu sự thiếu hụt ở hầu hết các chiều và có mức nghèo đói cao nhất, chiếm tới 28,9% bị thiếu hụt hơn 1/3 các chiều quan trọng.
Đặc biệt, trẻ có nhiều yếu tố dễ bị tổn thương càng dễ có khả năng rơi vào nghèo đa chiều. Tỷ lệ thiếu hụt cao nhất là lĩnh vực học tập, với 31,8% trẻ phải chịu ít nhất một chỉ số thiếu hụt. Có tới 46,2% trẻ từ 3 đến 4 tuổi không được đến các cơ sở y tế thăm khám trong 12 tháng…
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho khẳng định đây là lần đầu tiên tiếp cận nghèo đa chiều trẻ em; là đối tượng có những đặc điểm riêng cần nghiên cứu, đánh giá sâu. Qua đó để có những chính sách phù hợp. “Nếu không giải quyết vấn đề nghèo đa chiều của trẻ em hôm nay, thì nguồn nhân lực trụ cột của đất nước vẫn sẽ luẩn quẩn trong cái nghèo truyền kiếp”. Các chỉ số về học hành, sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ cũng sẽ tác động mang tính quyết định tới trình độ phát triển trong tương lai.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong khu vực đã xây dựng phương pháp tiếp cận về nghèo đa chiều trẻ em vào năm 2008 với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF. Hệ thống gồm 15 chỉ số, 8 chiều được xác định, bao gồm: Giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, lao động trẻ em, giải trí, sự tham gia và bảo vệ. Phương pháp tiếp cận mới được xây dựng để đo lường nghèo đa chiều trẻ em sử dụng bộ dữ liệu quốc gia từ Điều tra mức sống hộ gia đình. |