Đồ trang sức làm từ... sữa mẹ

Nguyễn Ngọc
16/01/2022 - 17:00
Đồ trang sức  làm từ... sữa mẹ

Mặt dây chuyền làm từ sữa mẹ của Alma Partida

Quá trình nuôi con bằng sữa mẹ của Alma Partida, 29 tuổi, ở Watsonville (bang California, Mỹ), kết thúc vào tháng 6/2021. Cô đã cho con gái Alessa bú trong gần 18 tháng. Khi tham gia một nhóm Facebook về nuôi dạy con cái, Partida tình cờ thấy một vật kỷ niệm đặc biệt: Mặt dây chuyền chứa viên đá trắng với thành phần chính từ sữa mẹ.
Món quà lưu niệm đặc biệt

Trang sức làm từ sữa mẹ là một nhánh của thị trường quà lưu niệm. Mặc dù ít khi được nghe nói đến nhưng đã có nhiều tiền lệ về đồ trang sức chứa chất hữu cơ làm từ một phần của con người. Trong thời kỳ Victoria ở thế kỷ 19, hoa tai và trâm cài làm từ tóc rất phổ biến. Những năm gần đây, con người đã sản xuất được kim cương tổng hợp làm từ tro hỏa táng. Ngoài ra, việc cha mẹ lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn và răng sữa của con cũng không còn là điều hiếm gặp.

Ngay lúc nhìn thấy mặt dây chuyền được làm từ sữa mẹ, Partida muốn mình cũng có một cái. Để có được sản phẩm của riêng mình, cô cung cấp khoảng 10ml sữa mẹ cho công ty Keepsakes by Grace. Khoảng một tháng sau, cô nhận được mặt dây chuyền hình trái tim màu trắng sữa qua đường bưu điện. Partida nói: "Đây là những giọt sữa cuối cùng và cũng là điều cuối cùng có thể ghi nhớ trong hành trình này".

Sarah Castillo, chủ công ty làm đồ trang sức từ sữa mẹ Keepsakes by Grace, bắt đầu công việc kinh doanh vào tháng 3 năm ngoái sau khi nhìn thấy các sản phẩm tương tự trên Instagram. Sau nhiều tháng thử nghiệm với sữa của chính mình, Castillo cuối cùng sử dụng phương pháp khử dung dịch trong sữa để tạo thành bột, sau đó trộn bột với nhựa thông để tạo thành đá. Sản phẩm từ công ty của Castillo thường có giá từ 60 USD đến 150 USD (khoảng 1,4 triệu đến 3,4 triệu đồng).

Ann Marie Sharoupim, người sáng lập công ty làm đồ trang sức từ sữa mẹ Mamma’s Liquid Love, cho biết, công ty của cô bán được gần 4.000 sản phẩm trong năm ngoái. Sharoupim có bằng tiến sĩ dược, hiện sống ở Rutherford (bang New Jersey). Công ty của cô chuyên bán hoa tai, dây chuyền, vòng tay và nhẫn làm từ sữa mẹ với giá từ 90 USD đến 1.500 USD (khoảng 2 triệu đến 34 triệu đồng). Người mua được khuyến cáo bảo quản các loại đồ trang sức này ở nơi khô ráo và hạn chế tiếp xúc với hóa chất. Sau khi đặt hàng trên trang web, Sharoupim sẽ hướng dẫn khách hàng cách tối ưu nhất để gửi sữa mẹ đến công ty.

Lưu giữ ký ức

Freda Rosenfeld, chuyên gia tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ ở Brooklyn (New York), cho biết, bà hiểu được sự thôi thúc về hành động này ở một số phụ nữ. Rosenfeld nói: "Đối với nhiều người, cho con bú là thời gian vô cùng quan trọng trong cuộc đời. Thời điểm con cai sữa là một khoảnh khắc đặc biệt, họ cảm thấy buồn vì điều đó".

Castillo chia sẻ, khách hàng của cô thường là những người gặp khó khăn trong việc nuôi con bằng sữa mẹ. Rất nhiều đơn đặt hàng đến từ những người có trải nghiệm khó khăn khi cho con bú hoặc chưa sẵn sàng cho con cai sữa. Vì vậy, việc đặt làm trang sức từ sữa mẹ giống như mong muốn được tiếp tục cho con bú nhưng không thể hoặc quyết định đã đến lúc phải ngừng. "Đồ trang sức thực sự là những vật chứa đựng tình cảm. Với những món trang sức làm từ sữa mẹ, chúng chính là kỉ niệm", Castillo, 25 tuổi, sống ở Tucson (bang Arizona), nói.

Với một số cha mẹ, những món trang sức này cũng là cách để đối phó với mất mát. Rebecca Zuick, 31 tuổi, sinh viên phát triển phần mềm ở San Antonio (bang Texas), đã mua một chiếc nhẫn đính đá làm từ sữa của mình vào tháng 2/2017, vừa để kỷ niệm việc cô kết thúc thời kỳ cho con bú, vừa để nhớ đến thai nhi chết lưu hồi tháng 7/2015. "Đối với tôi, đồ trang sức làm từ sữa mẹ là một cách để lưu giữ ký ức và những điều từ đứa bé tôi không có cơ hội nuôi dưỡng. Sữa mẹ chính là nguồn nuôi dưỡng con tôi nếu nó sống sót", Zuick nói.

Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Tuy nhiên, do vấn đề công việc, nhiều bà mẹ không thể cho con bú đủ thời gian. Hoa Kỳ là một trong số ít quốc gia không đảm bảo người lao động có lương trong thời gian nghỉ thai sản. Theo Jacqueline Wolf, giáo sư lịch sử y khoa tại Đại học Ohio và là tác giả của cuốn sách về sự suy giảm trong việc cho con bú vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, phần lớn bà mẹ có thể cho con bú trong những tháng đầu là lúc họ được nghỉ thai sản có lương hoặc lịch làm việc linh hoạt. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ không có được công việc như vậy. Giáo sư Wolf cho rằng, đồ trang sức làm từ sữa mẹ cũng là một phần tượng trưng cho sự bất công này.

Nguồn: The New York Times
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm