pnvnonline@phunuvietnam.vn
Doanh nghiệp Bảo hiểm thoát “canh bạc” mang tên Covid-19?
Tối 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc. Thủ tướng cũng nhất trí với đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19.
Ngay sau khi chỉ đạo của Thủ tướng được ban hành, giới chuyên gia đồng tình với việc không triển khai gói bảo hiểm đối với bệnh Covid-19 và đây là quyết định rất kịp thời.
PV Báo PNVN đã có cuộc phỏng vấn Chuyên gia Bảo hiểm - ông Trương Minh Cát Nguyên – Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ tư vấn pháp lý Bảo hiểm Tila (một công ty tư vấn bảo hiểm độc lập) liên quan đến vấn đề này:
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về việc Thủ tướng yêu cầu dừng triển khai các sản phẩm Bảo hiểm liên quan đến rủi ro dịch bệnh Covid-19?
Ông Trương Minh Cát Nguyên: Trước đây, vào cuối tháng 1, đầu tháng 2/2020, khi thông tin về dịch bệnh bùng phát ở TP Vũ Hán (Trung Quốc), thời điểm đó dịch bệnh Covid-19 chưa có tên chính thức. Lúc này, trên một diễn đàn Khoa học tài chính Bảo hiểm, các chuyên gia trong ngành đã đặt nhiều vấn đề về giải quyết các sự kiện bảo hiểm khi điều kiện dịch bệnh xảy ra.
Trong đó, chúng tôi có nêu ra các dẫn chứng khoa học về một số tình huống, cấp độ và diễn biến của dịch bệnh nói chung, trong đó có "điều kiện bất khả kháng" mà thị trường bảo hiểm quốc tế sẽ có thể áp dụng. Sau khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, không nằm ngoài dự đoán, có thông tin thị trường tái bảo hiểm quốc tế đã xác nhận tuyên bố của WHO.
Điều này nghĩa là các đảm bảo cho rủi ro liên quan đến dịch Covid-19 sẽ không thể thu xếp tái bảo hiểm ra nước ngoài. Đồng nghĩa rằng, nếu một doanh nghiệp Bảo hiểm nào nhận bảo hiểm cho rủi ro khách hàng mắc phải dịch bệnh này, doanh nghiệp đó sẽ tự chịu trách nhiệm chi trả cho tất cả khách hàng mà không thể san sẻ rủi ro đó cho các nhà bảo hiểm quốc tế khác.
Khi không thể "tái bảo hiểm" ra nước ngoài thì các doanh nghiệp trong nước ở tình thế "tự chơi, tự chịu", thưa ông?
Đúng vậy! Các doanh nghiệp Bảo hiểm trong nước chỉ có thể nhượng tái bảo hiểm cho nhau. Điều này đặt các doanh nghiệp Bảo hiểm trong nước vào tình huống "đánh bạc", 5 ăn, 5 thua. Đây là điều trái với nguyên lý bảo hiểm, rủi ro phải được phân tán mỏng ra, không nên "để tất cả trứng vào một rổ".
Thủ tướng yêu cầu dừng triển khai sản phẩm Bảo hiểm Covid-19 đã nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia kinh tế trong điều hành kinh tế vĩ mô khi mà Chính phủ đã nắm rất rõ diễn biến của thị trường tái bảo hiểm quốc tế.
Ông nhận định như thế nào đối với những hợp đồng đã được các doanh nghiệp triển khai trước khi Thủ tướng yêu cầu dừng?
Đối với các hợp đồng bảo hiểm đã phát hành, căn cứ vào các cam kết của doanh nghiệp Bảo hiểm, không có cơ sở nào để nhà bảo hiểm hủy bỏ cam kết với khách hàng. Nghĩa là nhà bảo hiểm vẫn phải tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký kết, cho dù có yêu cầu dừng của Chính phủ.
Chúng ta cần hiểu rằng, Chính phủ yêu cầu dừng khai thác chào bán các loại hình bảo hiểm liên quan đến rủi ro dịch bệnh Covid-19 kể từ ngày 31/03/2020, chứ không yêu cầu dừng đối với việc thực hiện chi trả các hợp đồng đã ký kết trước đó.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai sản phẩm bảo hiểm Covid-19 có thể xảy ra khủng hoảng kép về kinh tế, quan điểm của ông như thế nào?
Bảo hiểm có vai trò là lá chắn của cá nhân, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trước những biến cố tổn thất/thiệt hại không thể lường trước, lấy số đông bù cho số ít không may gặp rủi ro. Khi các số liệu thống kế về số lượng nhiễm bệnh và tử vong trên thế giới không ngừng gia tăng tại các quốc gia đang đối mặt với dịch bệnh này, thì một viễn cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu là nhìn thấy được, không còn xa.
Việt Nam không đứng ngoài nền kinh tế thế giới. Việc "tập trung trứng vào một rổ" đối với các doanh nghiệp Bảo hiểm trong bối cảnh không thể nhượng tái bảo hiểm quốc tế sẽ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tài chính đối với một số doanh nghiệp trong nước. Đây sẽ là cú ngã do-mi-no dây chuyền đến các doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng và các định chế tài chính khác.
Vì sao ông nhận định việc triển khai sản phẩm bảo hiểm Covid-19 như một "canh bạc" của các doanh nghiệp?
Trong tình huống đại dịch thì trách nhiệm xử lý chống dịch thuộc về Quốc gia nên Chính phủ cần huy động tất cả nguồn lực cho mục tiêu này. Chính phủ cần người dân hỗ trợ các nguồn lực chứ không phải là các doanh nghiệp Bảo hiểm thông qua việc người dân đóng góp vào quỹ bảo hiểm phi thương mại. Đó là chương trình Bảo hiểm Y tế tự nguyện của Chính phủ.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc các doanh nghiệp Bảo hiểm triển khai các gói bảo hiểm liên quan rủi ro dịch bệnh Covid-19 là một canh bạc. Đó không phải là bảo hiểm. Vì biến cố dịch bệnh đã xác định được là chắc chắn xảy ra tại Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể dự đoán mức độ nặng hay nhẹ phụ thuộc vào quyết tâm và giải pháp chống dịch của toàn dân.
Nhiều doanh nghiệp Bảo hiểm đưa ra các lời chào mời hấp dẫn như sản phẩm Covid-19 vẫn chi trả song song với các sản phẩm khác, hay nói cách khác là "bảo hiểm trùng" do đây là sản phẩm liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Ông nhận định như thế nào?
Đối với loại hình bảo hiểm con người và chăm sóc sức khỏe, không có khái niệm bảo hiểm trùng. Vì sức khỏe và tính mạng con người là vô giá. Do đó nếu các doanh nghiệp Bảo hiểm có cam kết như trên, khách hàng vẫn có thể nhận được các quyền lợi bảo hiểm theo cam kết, độc lập với các sản phẩm bảo hiểm khác.
Ông có lời khuyên gì dành cho người dân đã tham gia bảo hiểm Covid-19 trước thông tin Thủ tướng yêu cầu dừng triển khai sản phẩm này?
Đầu tiên, người dân hãy tin tưởng vào các quyết sách của Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh, bám sát thông tin hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Khi đã tham gia bảo hiểm thì cần tìm hiểu thật kỹ các điều khoản bảo hiểm, có quyền đòi - hỏi công ty Bảo hiểm các điều khoản mà mình chưa hiểu.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp Bảo hiểm dừng triển khai sản phẩm Bảo hiểm Covid-19 thì người dân có thể đăng ký tham gia Bảo hiểm Y tế tự nguyên tại địa phương, thông qua các cổng thanh toán đã được hướng dẫn.
Xin cám ơn ông!