pnvnonline@phunuvietnam.vn
Doanh nghiệp đề nghị giải cứu xe đi ứng phó cơn sốt hàng do dịch Covid-19
Hàng dài người dân TPHCM xếp hàng tính tiền ở các siêu thị. Ảnh: Bảo Phương
Ngày 10/3, Sở Công thương TPHCM đã công bố kế hoạch về việc ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và các giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn TPHCM. Tại buổi làm việc, một số doanh nghiệp cung cấp hàng hóa trên địa bàn thành phố đã nêu lên vướng mắc khi tham gia kế hoạch.
Một doanh nghiệp tham gia ứng cứu cơn sốt hàng bị bắt 6 chiếc xe
Ông Trần Ngọc Trung – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vinh Phát Wilmar cam kết luôn cung cấp đủ gạo đến cho các hệ thống phân phối. Tuy nhiên, ông Trung lo ngại về tình trạng các phương tiện không thể vào khu trung tâm vào giờ cao điểm để cung cấp hàng cho các doanh nghiệp.
Ông Trung cho biết, doanh nghiệp Vinh Phát Wilmar có chiếc xe tải đi vào tuyến đường trung tâm của thành phố để giao hàng vào dịp cuối tuần vừa qua nhưng đã bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Vì vậy, ông Trung đề nghị Sở Công thương cần ưu tiên để phương tiện thực hiện chương trình ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được lưu thông trong giờ cao điểm để cung ứng hàng cho các siêu thị trước tình trạng sốt gạo ở nhiều nơi.
Ông Trung đưa ra ví dụ, ngay tại Coop-mart Cống Quỳnh (quận 1, TPHCM), doanh nghiệp Vinh Phát Wilmar chỉ được giao hàng vào buổi tối. Hết giờ cao điểm, tài xế mới được cho xe đến để giao hàng. Thời điểm sốt gạo, doanh nghiệp không dám giao hàng vì tài xế không chạy do cấm đường. Nếu cho tài xế chạy đi giao hàng vào giờ cao điểm sẽ bị bắt. Ông Trung mong muốn lãnh đạo thành phố gỡ rối cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Ba Huân cũng rơi vào tình trạng như vậy. Chủ doanh nghiệp Ba Huân mong các kênh phân phối hàng hóa ứng cứu đặt hàng 1 lần, tối đa là 1 lần tiếp theo. Các doanh nghiệp phân phối hàng hóa đặt hàng làm nhiều lần, tài xế của Ba Huân không thể chạy kịp và dẫn đến tình trạng lưu thông trái tuyến đường.
"Mấy bữa rồi xe bị bắt liên tục. Xe bị bắt là giam giữ bằng lái của tài xế 2 tháng. Mới đây, Ba Huân bị bắt 6 chiếc do trái tuyến đường, không vận chuyển được. Ba Huân vẫn phải trả lương cho tài xế khi bị bắt và giữ bằng lái".
Bà Phạm Thị Huân – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân
Theo doanh nghiệp này, nếu các phương tiện chạy đúng như đã đăng ký thì mỗi ngày chỉ được 1 chuyến. Khi các doanh nghiệp phân phối liên hệ để tiếp tục cung ứng hàng hóa thì bị phạt. Các xe không dám chạy ngoài đường, một số xe chưa chạy về kịp, một số xe thì tài xế bị giam bằng đang làm lơ xe.
Bà Huân đánh giá, chương trình ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang gặp khó khăn về logistics (dự trữ và vận chuyển hàng hóa – PV). Nhiều khi các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa ứng phó dịch Covid-19 gọi đến Ba Huân để giao hàng nhưng không thể kịp.
Sẽ giải quyết kịp thời cho doanh nghiệp
Ông Phạm Thành Kiên – Giám đốc Sở Công thương - khẳng định, liên quan đến vấn đề các xe tham gia ứng cứu bị bắt giữ, các doanh nghiệp gửi cho Sở biển số xe bị bắt để Sở Công thương có văn bản trình UBND TPHCM cho phép các xe được lưu thông để tham gia ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Các doanh nghiệp phải lên danh sách cụ thể gồm bao nhiêu xe tham gia ứng cứu, những xe nào, biển số rõ ràng. Sở Công thương sẽ báo cáo để UBND TPHCM có chỉ đạo đến Sở Giao thông vận tải giải quyết ngay các trường hợp này cho doanh nghiệp. Chậm nhất trong tuần này, các doanh nghiệp sẽ được giải quyết thỏa đáng.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công thương cung cấp thêm thông tin, Sở Công thương đã họp với Sở Giao thông vận tải và đã duyệt cho các doanh nghiệp bình ổn về số lượng phương tiện giao hàng trên các tuyến đường. Do số lượng hàng hóa ở các siêu thị tăng đột biến nên phải cung ứng thêm trong ngày.
Khi đi xe số 1 đi từ điểm đầu đến điểm cuối như đã đăng ký rồi sau đó, xe này quay trở lại điểm xuất phát để lấy hàng tiếp tục cung cấp cho doanh nghiệp lần thứ 2 trong ngày theo yêu cầu. Nếu tài xế đi theo tuyến đường đã đăng ký sẽ bị trễ nên các doanh nghiệp cần bổ sung thêm các tuyến đường để cho Sở Công thương đề xuất với Sở Giao thông vận tải.