Doanh nghiệp dệt may, da giày lao đao do đại dịch: Biến “nguy” thành “cơ”

Hưng Long
29/07/2020 - 14:50
Doanh nghiệp dệt may, da giày lao đao do đại dịch: Biến “nguy” thành “cơ”

Ảnh minh họa

Trao đổi với PNVN, ông Phạm Gia Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Thiên An Phú (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn ra ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp dệt may. Vừa rồi, có những đơn hàng của công ty giảm đến 50%...

Chuyển đổi sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường

Thiên An Phú đã chuyển sang sản xuất những sản phẩm mà nhu cầu thị trường trong mùa dịch bệnh cần. Do đó, công ty ít bị ảnh hưởng, thậm chí không bị ảnh hưởng. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm 300 lao động, nâng tổng số lao động lên hơn 1.300 người để phục vụ cho các đơn hàng xuất đi các nước.

Thiên An Phú chọn thị trường cung ứng hàng hóa ở Mỹ, gồm 2 mặt hàng chủ lực là quần áo trẻ em và đồ ngủ. Do người dân ở nhà để tránh dịch nên nhu cầu sử dụng đồ ngủ tăng cao và lượng đơn hàng tăng gấp đôi so với năm ngoái. Doanh nghiệp đón đầu cơ hội đã tăng năng suất gấp đôi nhằm mở rộng sản xuất.

Doanh nghiệp dệt may, da giày lao đao vì đại dịch: Biến “nguy” thành “cơ” - Ảnh 1.

Công nhân Công ty Thiên An Phú đang hoàn thiện các đơn hàng để xuất đi Mỹ

Ông Phạm Gia Định chia sẻ, Thiên An Phú có bề dày sản xuất đồ ngủ và quần áo trẻ em. Xu thế chung trên thị trường may mặc, các doanh nghiệp phải hạ giá thành để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều đơn hàng yêu cầu mỗi năm phải giảm giá từ 5% đến 7%, thậm chí lên đến 10% cho mỗi đơn hàng. Thiên An Phú xác định trước vấn đề này nên đã có kế hoạch chuẩn bị từng bước.

Ông Phạm Gia Định đánh giá, ngành may, đặc biệt là hàng dệt kim, hàng thời trang thì không thể đầu tư tự động hóa công nghệ. Đặc trưng đối với áo jacket, áo sơ mi hoặc áo vét, quần Âu thì tự động hóa rất nhiều. Những mặt hàng đồ ngủ không thể dùng máy móc tự động hóa.

Để có thể hội nhập trong thời gian sau dịch, doanh nghiệp vẫn phải mở rộng đầu tư các thiết bị nhưng quan trọng nhất đó là tổ chức lại dây chuyền sản xuất phù hợp với yêu cầu giá rẻ của khách hàng. Các đơn hàng yêu cầu sản phẩm không làm quá tốt nhưng không làm quá xấu.

Từ việc đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nên sản phẩm của Thiên An Phú được đánh giá cao ở thị trường Mỹ. Từ đầu năm đến nay, Thiên An Phú đầu tư dây chuyền, mở rộng sản xuất gấp 1,5-1,8 lần so với năm ngoái. Giá thành sản phẩm giảm, nhắm đến tầng lớp tiêu dùng có thu nhập thấp.

Điều đặc biệt khi hợp tác với thị trường Mỹ, các chế độ chính sách của người lao động, đặc biệt là lao động nữ phải tuân thủ tuyệt đối theo luật tại Việt Nam. Các chế độ thai sản, nuôi con nhỏ theo luật đều được công ty thực hiện nghiêm túc.

Còn ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tổng công ty May Đồng Nai, cho biết, trước khi có dịch, công ty đã đầu tư sản xuất vải không dệt. Vì thế, khi có dịch, công ty chuyển sang sản xuất khẩu trang và bộ đồ phòng chống dịch. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh của công ty không bị ảnh hưởng.

Dự báo thời gian tới, tình hình ngành dệt may trong nước sẽ tiếp tục gặp khó khăn, doanh nghiệp vẫn sẽ ưu tiên tập trung sản xuất đồ phòng chống dịch, cung cấp lâu dài bộ đồ y tế và bộ đồ chống độc để xuất đi các nước.

Theo ông Bùi Thế Kích, may mắn của doanh nghiệp là sản xuất được vải không dệt nên chủ động được nguồn cung sản phẩm với công suất 15 triệu bộ đồ y tế/tháng, tương đương 500.000 bộ đồ/ngày.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc nắm bắt cơ hội, biết "nguy" thành "cơ" không chỉ giúp doanh nghiệp ổn định, thậm chí phát triển trong đại dịch mà còn tạo công ăn việc làm cho người lao động. Do đó, tùy vào thế mạnh, sở trường của mình, doanh nghiệp nên nắm bắt thời cơ để ổn định sản xuất, bởi dịch Covid-19 dự báo còn kéo dài.

Cần định hướng chuyển đổi nghề

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân nhận định, trong đợt dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày bị ảnh hưởng. Điển hình là Công ty Pouyuen (TP.HCM), chuyên gia công giày da, đã cho nghỉ việc gần 3.000 công nhân. Tuy nhiên, ngành dệt may trong "nguy" có "cơ". Điểm sáng nhất của ngành dệt may là khẩu trang và đồ y tế chống dịch. Các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đều thiếu mặt hàng này. Việt Nam cũng đã đón đầu được cơ hội nên doanh thu xuất khẩu khẩu trang và đồ chống dịch đã tăng vượt bậc.

Doanh nghiệp dệt may, da giày lao đao vì đại dịch: Biến “nguy” thành “cơ” - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp chuyển sang sản xuất khẩu trang và bộ đồ phòng chống dịch

Một số doanh nghiệp có những đơn hàng và dự trữ nguyên liệu sản xuất trong kho ít bị ảnh hưởng. Còn với những doanh nghiệp nhập nguyên liệu theo từng tháng hoặc từng quý thì không thể xoay trở kịp. Không riêng ngành dệt may mà tất cả ngành hàng đều bị ảnh hưởng.

Số lượng nữ công nhân ở các doanh nghiệp giày da và dệt may rất đông nên việc chuyển đổi nghề cho lao động thực sự gặp khó khăn. Thuần thục một ngành nghề đã khó, chuyển đổi sang ngành nghề khác lại càng khó khăn hơn. Không phải muốn chuyển đổi là được. Giải pháp tình thế đối với lao động ngành dệt may nói chung là làm những công việc đơn giản, không qua đào tạo như: Bảo mẫu, giúp việc gia đình, công việc thời vụ bán quán cà phê, quán ăn... Nhu cầu công việc của công nhân ngành may rất nhiều. Dưới góc độ nào đó, người dân phải chấp nhận cuộc sống tạm qua ngày để chờ hết dịch”.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân dẫn chứng: "Tổng cục Thống kê đã có báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và đánh giá ngành dệt may bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19. Các doanh nghiệp không có đơn hàng thì công nhân bị nghỉ việc là điều hiển nhiên. Nhưng quan trọng nhất, nhà nước cần phải có định hướng để cho công nhân, nhất là công nhân nữ, chuyển đổi sang ngành nghề khác phù hợp hơn trong giai đoạn này".

Công nhân nữ sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp cao do đặc thù của ngành dệt may tỷ lệ lao động nữ đang làm việc chiếm 2/3, thậm chí 3/4 trên tổng số nhân công. Để phục hồi kinh tế không phải chỉ Việt Nam nói riêng mà còn phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới, nhất là những nước bạn hàng với Việt Nam.

Ngay lúc này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu và đề xuất những chính sách nghề, tư vấn để công nhân thấy được sự phù hợp khi chuyển đổi và có định hướng tốt. Khi dịch bệnh chấm dứt và đơn hàng trở lại, doanh nghiệp phải cần rất nhiều lao động lành nghề để kịp thời đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp cũng đừng vì lợi ích trước mắt mà sa thải ồ ạt công nhân để đến lúc khống chế hoàn toàn đại dịch Covid-19 sẽ không kịp trở tay".

"Tương lai của ngành may mặc bị thiệt hại vĩnh viễn hay tạm thời do đại dịch Covid-19 cũng còn tùy vào tình hình chung của kinh tế thế giới. Trong lúc này, phải đưa ra biện pháp chống đỡ, biện pháp tình thế cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân, không thể đưa ra giải pháp chuyển đổi doanh nghiệp hay chuyển hướng cụ thể cho từng doanh nghiệp vì đây là vấn đề chung của toàn xã hội. Bài toán giải quyết hậu Covid-19 rất "hóc búa" và không thể có đáp số "đại lợi ích" được. Giải được bài toán thất nghiệp "hậu Covid-19" phải cần sự chung tay của các doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời các địa phương và các ngành phải cùng vào cuộc. Ở địa phương thì thuộc về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cao hơn nữa là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Hay chức năng ngành dệt may thì thuộc ngành nào, ngành đó phải có trách nhiệm đối với người lao động bị thất nghiệp", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm