Doanh nghiệp, hộ sản xuất cần sẵn sàng tận dụng cơ hội khi thực thi Hiệp định EVFTA

26/06/2019 - 12:24
Hội đồng châu Âu đã thông qua nội dung của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) và dự kiến tiến hành ký kết vào ngày 30/6 tới tại Hà Nội. Hiệp định này chính thức triển khai sẽ tác động sâu rộng và mạnh mẽ tới tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng của nước ta.

Bộ Công Thương vừa cho biết, ngày 25/6/2019, Hội đồng châu Âu đã thông qua nội dung của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (gọi tắt là Hiệp định EVFTA) và Liên minh châu Âu (gọi tắt là Hiệp định IPA), mở đường cho việc ký kết các Hiệp định. Theo đó, dự kiến hai bên sẽ ký kết đồng thời cả hai Hiệp định này vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội.

Với 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề pháp lý-thể chế, Hiệp định EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Khi Hiệp định chính thức được thực thi thì sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất cũng như tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.

 

sss.jpg
 

 

Trao đổi với PV Báo PNVN, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết: Sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và đi vào thực thi, Việt Nam sẽ gỡ  bỏ hầu hết các loại thuế cho hàng hóa của EU vào Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng hóa chất lượng cao từ EU có cơ hội tiêu thụ ở thị trường trong nước ngày càng dễ dàng, với giá cả cạnh tranh, cũng là bài toán để các nhà cung ứng nội địa tự thay đổi nếu muốn tồn tại.

Đồng thời, EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường cơ hội tiếp cận vốn và khoa học công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như nhiều cơ hội khác. Tuy nhiên, để đạt được những điều này, vẫn còn rất nhiều thách thức rủi ro mà các doanh nghiệp Việt phải vượt qua.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, doanh nghiệp Việt có khả năng tiếp cận với các thị trường tương đối rộng mở của các nước thành viên Liên minh Châu Âu khi hầu hết các ngành hàng (đến 99,2% số dòng thuế) được đưa về mức thuế suất 0%. Đặt trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh của chúng ta tại thị trường Châu Âu chưa có Hiệp định thương mại riêng với EU thì EVFTA được xem là sẽ tạo ra những lợi ích kép cho doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể:

 

bo-truong-nong-nghiep-nguyen-xuan-cuong.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

 

Những mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu thô thì thuế không thay đổi nhiều (hiện đang ở mức thấp 0-5%), nhưng những mặt hàng đã qua chế biến và chế biến sâu thì thuế sẽ chênh lệch nhiều sau khi EVFTA có hiệu lực (giảm từ mức trên dưới 10% hiện nay xuống 0%). Vì vậy những doanh nghiệp nào càng đầu tư chế biến sẽ càng có giá trị gia tăng cao và càng thu được nhiều lợi nhuận từ việc cắt giảm thuế.

Để tận dụng được những cơ hội của Hiệp định thương mại này, không chỉ doanh nghiệp mà bản thân cả các cơ quan hoạch định chính sách, hiệp hội ngành hàng, chính quyền địa phương và bà con nông dân chuẩn bị cần nâng cao nhận thức để đáp ứng được theo những tiêu chuẩn mới của EVFTA, sản xuất theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặt biệt thị trường cao cấp.

Đối với xuất nhập khẩu hàng nông thủy sản, Liên minh Châu Âu là đối tác hàng đầu trên thế giới, nhập khẩu rất nhiều sản phẩm nông nghiệp từ các quốc gia trên thế giới. Những năm qua, thương mại nông sản giữa Việt Nam-EU liên tục tăng trưởng (năm 2017 kim ngạch thương mại nông sản hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt gần 5,8 tỷ USD, và trong 10 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 4,9 tỷ USD).

Đáng chú ý, Việt Nam liên tục xuất siêu lớn với EU, trong đó có mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Liên minh Châu Âu bao gồm: chè, cà phê, thủy sản. Về đầu tư, Liên minh Châu Âu đứng hàng thứ 5 trong tổng các đối tác đầu tư vào Việt Nam (tổng số 1.809 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 23,16 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án và 8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước). Khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết (dự kiến khoảng giữa năm 2019) và đi vào thực thi sẽ có nhiều doanh nghiệp của EU đầu tư vào Việt Nam.

Hàng nông thủy sản Việt Nam chỉ tận dụng được lợi thế từ hiệp định EVFTA khi hiểu rõ Quy định về đảm bảo an toàn thực vật và kiểm dịch động thực vật (SPS). Việt Nam nên có sự minh bạch hoàn  toàn trong các quy trình và yêu cầu nhập khẩu, tìm ra các giải pháp cho các vấn đề cần giải quyết, đơn giản hóa thể chế để xác định mức độ bảo hộ phù hợp.

 

nong_nghiep_htyu.jpg
Các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp nói chung và phụ nữ nói riêng cần thay đổi tư duy, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Ảnh minh họa

"Để xuất được nông sản và hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA, người sản xuất bất kể sản xuất ở quy mô lớn hay nhỏ đều phải tham gia vào chuỗi giá trị nông sản, trong đó chất lượng và ATTP vẫn phải là vấn đề tiên quyết cần được đáp ứng. Nông nghiệp Việt Nam vốn có truyền thống sản xuất quy mô nhỏ lẻ theo hộ gia đình và không có chứng nhận về vệ sinh ATTP. Chính điều này đã cản trở sản phẩm nông nghiệp tiếp cận được với các thị trường có yêu cầu cao giống như EU.

Vì thế, để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa hàng nông sản Việt tới được với các thị trường đòi hỏi cao như EU, các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp nói chung và phụ nữ nói riêng trước hết cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận sản xuất theo hướng đảm bảo vệ sinh ATTP và có chứng nhận; từ đó mới có thể tận dụng được tốt những cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA tạo nên", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm