Ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ 2, khác với lần trước cho 700 công nhân thôi việc, lần này một công ty may với khoảng 3.700 công nhân ở Thái Bình đã cam kết không tiếp tục cắt giảm.
Công ty TNHH May TexHong Thái Bình (KCN Phúc Khánh, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) hiện có khoảng 3.700 công nhân, trong đó công nhân nữ chiếm 80%.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đơn hàng bị hủy đột xuất làm cho doanh nghiệp bị thiệt hại lớn. Để có thể tiếp tục duy trì sản xuất, May TexHong buộc phải cho 700 công nhân thôi việc.
Nói như ông Nguyễn Cao Việt (áo vàng), Tổng Giám đốc Công ty TNHH May TexHong Thái Bình, là “Hy sinh một bộ phận nhỏ để cứu lấy cả một con thuyền sắp chìm”.
Sau khi bình ổn lại sản xuất, doanh nghiệp này đã gọi khoảng 50/700 công nhân bị thôi việc trước đó trở lại làm việc.
Tuy nhiên vào cuối tháng 7, dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến cho doanh nghiệp này một lần nữa lâm vào cảnh: sản lượng tháng 9 giảm xuống còn khoảng 50%, trong khi phải duy trì số công nhân 80% so với trước thời điểm dịch.
80% công nhân hiện tại phần lớn là những công nhân có tay nghề, trong đó số công nhân có thâm niên làm việc từ 10 năm trở lên chiếm khoảng 1.000 người, còn khoảng 2.000 người ở mức trung bình từ 8-9 năm.
"Nhưng nếu chọn phương án cắt giảm thì chẳng khác gì cắt vào máu thịt của chúng tôi", ông Nguyễn Cao Việt than thở.
Bởi vậy, phương án trước mắt của doanh nghiệp là không cắt giảm lao động nữa, mà thay vào đó sẽ thỏa thuận với công nhân để thống nhất phương án nghỉ không lương và làm việc luân phiên nhau theo tuần nhưng các chế độ về phúc lợi xã hội (BHYT, BHXH..) của họ vẫn được đảm bảo.
“Tháng 9 này, do hưởng dịch bệnh từ tháng trước nên những khó khăn tới đây không thể tránh khỏi. Nhưng kể từ tháng 10, tháng 11, về cơ bản chúng tôi đã có những đầu ra để khôi phục lại sản xuất”, ông Nguyễn Cao Việt cho hay.
Bày tỏ tình cảnh của mình trong những ngày qua, chị Nông Thị Hồng Thái (44 tuổi, huyện Vũ Thư), công nhân ở bộ phận chém gấu quần, cho biết, chị làm việc ở đây đã được 12 năm, lương tháng 8 được 7 triệu đồng.
Còn chị Tô Thị Thêm (31 tuổi, huyện Vũ Thư), công nhân bộ phận may túi, làm việc ở đây đã sang năm thứ 12, ương tháng vừa rồi chị được khoảng 7,5 triệu đồng. Mức thu nhập này rất quan trọng, vì chị Thêm có 2 con nhỏ đang tuổi ăn học, nhất là trong thời điểm vào đầu năm học mới.