Doanh nghiệp nữ APEC trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0

09/11/2017 - 19:02
Tại Hội nghị thượng đỉnh các doanh nhân APEC 2017trong 2 ngày 8 và 9/11, các doanh nghiệp và lãnh đạo hàng đầu thế giới đã hiến kế phát triển kinh tế trong APEC, đặc biệt là sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nữ.
Lợi ích của tự do thương mại
 
Phát triển sáng tạo và bao trùm được đặt ra tại Hội nghị APEC lần này vì những lợi ích từ tăng trưởng kinh tế đã không được phân bổ đồng đều, một bộ phận lớn dân cư vẫn chưa nhận được đầy đủ những lợi ích của tự do thương mại. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ hạ tầng kỹ thuật số góp phần thúc đẩy phát triển bao trùm vì đem đến lợi ích cụ thể cho các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp nữ trong nền kinh tế.
 
chu-tich-nuoc-tran-dai-quang-6.jpg
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tại Hội nghị thượng đỉnh các doanh nhân APEC 2017

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) và VCCI khuyến nghị tạo thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế bởi họ phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm việc huy động vốn, tiếp cận thị trường, phát triển kỹ năng và năng lực, cũng như xây dựng các mối quan hệ kinh doanh. Để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ họ tham gia vào thị trường toàn cầu, VCCI và ABAC đã đề xuất sáng kiến về thành lập Mạng lưới Doanh nhân nữ APEC.

Đối với mục tiêu thúc đẩy phát triển nền kinh tế sáng tạo, cần tăng cường hợp tác giữa các cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ trong công tác đào tạo, chú trọng các ngành STEM (khoa học, công nghệ, chế tạo và quản trị), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

hoi-nghi-thuong-dinh-doanh-nghiep-apec-7.jpg
Các doanh nghiệp và lãnh đạo các nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh các doanh nhân APEC 2017

Bên cạnh đó, cần quan tâm thúc đẩy đầu tư cho việc chăm sóc sức khoẻ để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy hình thành lực lượng lao động có thể lực tốt. Theo một số tính toán, nếu không có các khoản đầu tư bổ sung, mô hình kinh doanh thông thường hiện nay có thể làm giảm GDP khu vực APEC tới 8,5%, do các vấn đề sức khoẻ.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland cho rằng các chính phủ nên đầu tư vào giáo dục công, tập trung vào giáo dục phổ thông và đại học để có thể đào tạo kiến thức và kỹ năng cho người dân ở các tầng lớp xã hội khác nhau bao gồm cả người nhập cư. Các nước cần trở thành nơi cởi mở chào đón doanh nghiệp, tạo môi trường cho sáng tạo của doanh nghiệp. Người lao động luôn trau dồi kỹ năng mới để có thể thích ứng với sự thay đổi của công nghệ
 
Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số
 
Cộng đồng doanh nghiệp APEC xem hội nhập về thương mại và đầu tư là con đường tốt nhất cho phát triển kinh tế. Vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, xoá bỏ mọi “biên giới” và khuyến khích sự dịch chuyển dữ liệu, thông tin trong khu vực cũng được cho là giải pháp thúc đẩy hội nhập, mở rộng thương mại, bảo đảm lợi ích của nền kinh tế số lan tỏa đến tất cả các nền kinh tế.
mai-hoa-vingroup-1.jpg
Tổng giám đốc của Vingroup Dương Thị Mai Hoa tại hội nghị

Tổng giám đốc của Vingroup Dương Thị Mai Hoa nhấn mạnh, khi doanh nghiệp áp dụng công nghệ thì phải tìm cách tối ưu hoá lợi ích. Ngoài bất động sản, tập đoàn còn 6 lĩnh vực khác đều có thể tự động hóa và sắp tới Vingroup sẽ nhập nhiều hệ thống máy móc, nhập robot để chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện hay phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh.

Ngoài ra, vấn đề tăng cường kết nối giữa người với người, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển lao động trong khu vực cũng cần được đẩy mạnh để thúc đẩy tăng trưởng bởi cộng đồng doanh nghiệp APEC đang ngày càng quan ngại về sự thiếu hụt và không tương thích về kỹ năng của người lao động do sự thay đổi mạnh mẽ về nhân khẩu.
 
Nông dân trực tiếp bán hàng xuyên biên giới
 
Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) được coi là huyết mạch của mọi nền kinh tế trong khu vực. MSMEs chiếm trên 90% doanh nghiệp, sử dụng trên 60% lực lượng lao động. Tuy nhiên, MSMEs chỉ chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu.
nong-dan-trong-che.jpg
Nông dân trồng chè ở Thái Nguyên có thể bán hàng xuyên biên giới nếu biết áp dụng công nghệ và thương mại điện tử

Ngày nay với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông, các MSMEs có thể trực tiếp tham gia vào thương mại xuyên biên giới với chi phí thấp thông qua kinh tế số và các nền tảng thương mại điện tử. Viễn cảnh một nông dân có thể trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng ở nước ngoài không còn quá xa vời nếu giải quyết được những vấn đề liên quan đến thanh toán, hậu cần vận chuyển hàng hóa hoặc giao nhận dịch vụ. Quan trọng nhất là vấn đề xác lập thị trường thương mại điện tử đáng tin cậy, cũng như vấn đề an ninh và bảo vệ dữ liệu. 

nu-doanh-nghiep.JPG
Các nữ doanh nhân tham dự diễn đàn phụ nữ và kinh tế trong khuôn khổ APEC 2017

 

Bên cạnh đó, để mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn tài chính cho MSMEs thì cần phải vượt qua được rào cản về các quy định pháp lý. Cần xây dựng hệ thống thông tin tài chính, định giá, các giao dịch bảo đảm… cùng nhiều sáng kiến thành lập Mạng lưới Khởi nghiệp APEC và thị trường doanh nghiệp MSMEs.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm