Doanh nhân nữ hành động vì một thế giới không rác thải

28/12/2018 - 18:06
Mỗi doanh nhân nữ, mỗi chị em phụ nữ trở thành những nhân tố quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý và tái chế chất thải, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp…
Tiếng nói chung của doanh nghiệp nữ
 
Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững đã được Chính phủ và doanh nghiệp xác định rõ và được thể hiện trong chương trình hành động thông qua các sáng kiến kiểm soát ô nhiễm, xử lý và tái chế chất thải, tiết kiệm tài nguyên… góp phần tạo môi trường làm việc an toàn, tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp. 
 
doanh-nhan-nu-vi-moi-truong-khong-rac-thai-1.JPG
Từ phải sang: Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, bà Lê Từ Cẩm Ly - Giám đốc Pháp lý và Đối ngoại Coca-Cola Đông Dương và bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch VWEC

 

Góp phần trong nỗ lực chung đó cũng như mong muốn nâng cao nhận thức và năng lực triển khai của doanh nghiệp, doanh nhân nữ về bảo vệ môi trường, ngày 28/12, tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam đã phối hợp với Công ty TNHH Nước giải khát Coca-cola Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Sáng kiến hành động vì một thế giới không rác thải”.
 
Tham dự diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, doanh nghiệp không nên chỉ vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm đối với môi trường và cộng đồng. Bảo vệ môi trường có ý nghĩa cao cả, vì môi trường cho thế hệ mai sau. Do đó, các doanh nhân nữ cần chung tay giảm thiểu rác thải ra môi trường.
 
Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch VWEC, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam chia sẻ: “Tại các quốc gia phát triển, tất cả các ngành nghề sản xuất, kinh doanh phải tuân theo nguyên tắc bảo vệ môi trường. Những năm gần đây, khái niệm về nền kinh tế tuần hoàn, sản xuất và kinh doanh có trách nhiệm, sản xuất và kinh doanh nhân văn.... đã được đưa vào nhiều chương trình nghị sự của doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên, lượng rác thải rắn, khí thải và chất thải lỏng xả ra môi trường vẫn đang là nỗi nhức nhối của chúng ta”.
 
Theo bà Tuyết Minh, các nữ doanh nhân đã mạnh dạn đưa ra các sáng kiến hành động nhằm giảm thiểu rác thải, tái sử dụng và tái chế rác thải trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Quản lý tốt rác thải không chỉ tạo môi trường sống và làm việc lành mạnh, mà còn tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí và khơi sâu sự sáng tạo vô hạn của con người trong việc thiết kế ra các sản phẩm mới, hữu dụng từ rác thải,...hướng tới sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và cộng đồng.
 
nguyen-thi-tuyet-minh-1.JPG
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch VWEC ký “Cam kết hành động vì một thế giới không rác thải”

  

Bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc Pháp lý và Đối ngoại Coca-Cola Đông Dương cho biết, mục tiêu đến 2030, Coca-Cola sẽ thu gom và tái chế tương đương 100% lượng lon và chai bán ra trên thị trường. Công ty nỗ lực thực hiện mục tiêu đó thông qua những cải tiến bao bì từ bên trong, giảm nguyên liệu nhựa, dùng nhựa tái chế, kết hợp cùng chính phủ, các tổ chức tư nhân, dân sự để xây dựng hệ thống thu gom rác thải nhựa và cùng hợp tác thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, mang giá trị mới cho bao bì nhựa. Coca-Cola luôn tìm kiếm và khuyến khích các hợp tác trong chuỗi giá trị của mình, đặc biệt là thông qua các chương trình mà phụ nữ là nhân tố chính nhằm tìm ra các sáng kiến hữu ích trong việc quản lý rác thải nhựa. “Chúng tôi trân trọng các chương trình tương tác và ý nghĩa như ngày hôm nay của VWEC và mong rằng đây sẽ là mở đầu cho những sáng kiến tạo nên thay đổi tích cực trong quản lý tái chế rác thải nhựa từ các chị em phụ nữ”, bà Ly nhấn mạnh.
Tại sự kiện, các doanh nhân nữ cũng đã cùng nhau ký “Cam kết hành động vì một thế giới không rác thải”, thể hiện lòng quyết tâm chung tay bảo vệ môi trường.
 
doanh-nhan-nu-vi-moi-truong-khong-rac-thai-3.JPG
Các doanh nghiệp tham gia diễn đàn

 

Sáng kiến của phụ nữ trong bảo vệ môi trường tại địa phương
 
Diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, bài học điển hình, các sáng kiến về bảo vệ môi trường, quản lý rác thải và các chương trình hỗ trợ cộng đồng. Đây cũng là dịp để Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam phát động các hội viên, đối tác cùng nhau cam kết hành động Vì một thế giới không rác thải.
 
doanh-nhan-nu-vi-moi-truong-khong-rac-thai-5.JPG
Các đại biểu tham gia chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, bài học điển hình, các sáng kiến về bảo vệ môi trường

 

Tại phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre đánh giá cao việc Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam và Coca-Cola đã triển khai xây dựng trung tâm EKOCENTER tại huyện Giồng Trôm. EKOCENTER góp phần tạo ra khu sinh hoạt cộng đồng, tiếp cận internet, công nghệ thông tin; cung cấp nước sạch cho người dân địa phương. Trung tâm này còn đưa ra được các giải pháp khả thi, huy động được các nguồn lực cần thiết và đầy đủ để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn của chính quyền, người dân và doanh nghiệp ở khu vực bị ảnh hưởng. Đặc biệt, EKOCENTER hướng đến nhóm yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người lao động nghèo) tiếp cận miễn phí hoặc với chi phí phải chăng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như nước uống, giáo dục, chăm sóc y tế, kỹ năng khởi nghiệp, kinh doanh nhỏ.
 
nguyen-thi-kim-thoa-2.JPG
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre

  

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa cũng đã chia sẻ về mô hình “Biến rác thải thành tiền” của Hội LHPN tại địa phương. Tham gia mô hình, hàng tháng khi sinh hoạt tổ, các hội viên sẽ gom các loại vật dụng bỏ đi của gia đình như: vỏ chai nước ngọt, dầu ăn… giao cho tổ trưởng để bán ve chai. Tiền bán được, mỗi chị em trích đóng cho tổ hội trưởng làm quỹ để hỗ trợ các gia đình thành viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật và giúp các cháu vượt khó học giỏi. Việc làm tuy nhỏ nhưng góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường bằng cách phân loại, xử lý rác thải, đạt hiệu quả trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
 
Còn bà Bùi Thị Hồng Hà - Giám đốc Công ty cổ phần CPART cho biết CPART chuyên phát triển dòng vi sinh ứng dụng trong bảo vệ môi trường, phát triển chăn nuôi, trồng trọt. CPART đã góp phần giúp hệ thống 600 trang trại nuôi bò sữa ở huyện Mộc Châu xây dựng hệ thống trang trại xử lý nước thải khép kín. Tất cả các hỗn hợp chất thải như nước tiểu, nước vệ sinh chuồng trại… đều được gom hết vào bể chứa để xử lý. Do đó, chuồng trại có môi trường chăn nuôi an toàn, luôn sạch sẽ, không có mùi hôi…
 
Bà Tạ Thu Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Xã hội Phương Thanh (EKOCENTER Đồng Tháp) cũng chia sẻ, trung tâm này đã áp dụng mô hình doanh nghiệp xã hội điều hành bởi nữ giới hướng tới việc nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước sạch cho cộng đồng người dân trong khu vực. EKOCENTER đã cung cấp nước uống sạch và an toàn với hệ thống xử lý có thể làm sạch đến 6.000 lít nước mỗi ngày, phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Trung tâm Hoạt động Cộng đồng EKOCENTER còn hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng. Một phần lợi nhuận có được từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xã hội sẽ được tiếp tục đầu tư vào các chương trình xã hội của Trung tâm, góp phần đem đến các giá trị bền vững cho cộng đồng địa phương nói chung.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm