pnvnonline@phunuvietnam.vn
Độc đáo lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn
Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn thường được tổ chức vào ngày 16/10 âm lịch hàng năm khi mùa màng đã thu hoạch xong
Theo truyền thống, Nhảy lửa gắn liền với lễ truyền nghề thầy cúng, được tổ chức cho các thầy cúng nhận học trò và truyền nghề. Thông thường, lễ hội Nhảy lửa diễn ra theo từng họ. Họ nào tổ chức thì cùng nhau chuẩn bị lễ vật, gồm: một con gà trống, một bát gạo, hương, một chai rượu, tiền giấy…
Các thành viên khác trong họ có trách nhiệm chuẩn bị củi khô. Thành phần chính tham gia gồm có thầy cúng (Pác mân) và các học trò (Tô thích).
Trước kia, một lễ hội Nhảy lửa thường có khoảng 10 - 12 học trò, tất cả đều phải là học trò cùng thầy. Hiện nay, số người học làm thầy cúng không nhiều như trước, nên chỉ còn 5 - 6 người nhảy và không bắt buộc phải là học trò cùng thầy, có thể là thanh niên trong làng.
Lễ hội chính thức được bắt đầu vào khoảng 8 giờ tối. Qua bài cúng và nhạc điệu, người Pà Thẻn cho rằng, con đường đi tìm thần về nhảy lửa của thầy cúng thật lắm gian lao, có khi phải đi qua cả hang quỷ.
Do vậy, thầy cúng phải là thầy cao tay, có nhiều phép thuật và quân binh mới làm được. Những người thực hiện nghi lễ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng, với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên.
Khi một người nhảy từ đống than hồng ra thì lại có một người khác tiếp nối, có khi 2-3 người cùng vào nhảy một lúc. Trong lúc đó, thầy cúng không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng như hòa vào nhịp nhảy của các học trò.
Khi một người kết thúc màn nhảy lửa của mình thì trở về ngồi bên cạnh thầy cúng. Việc nhảy lửa cứ thế diễn ra trong khoảng một tiếng, lửa tàn thì nhóm lại, rồi nhảy tiếp cho đến khi đống than tàn hẳn mới thôi.
Khi lửa tàn hẳn, thầy cúng sẽ đọc bài cúng tiễn các ma về trời, cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cùng dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.
Lễ hội nhảy lửa có một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn. Theo đó, đồng bào quan niệm nhảy lửa là nghi lễ đón các vị thần giáng trần chung vui với xóm làng, phù hộ cho người dân có nhiều sức khỏe, được mùa, mưa thuận gió hòa.
Ngoài ra, tín ngưỡng của đồng bào còn cho rằng việc nhảy lửa sẽ tăng sức mạnh, sự bền bỉ để dân làng vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên và lao động tạo ra của cải. Những người thầy cúng hoặc đang học nghề cúng bái cũng được cho là sẽ trở nên thông minh vượt bậc sau mỗi lần tham gia lễ hội.