Độc lực của virus biến chủng Ấn Độ nặng hơn biến chủng khác như thế nào?

Linh Trần
10/05/2021 - 12:07
Độc lực của virus biến chủng Ấn Độ nặng hơn biến chủng khác như thế nào?

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Hiện nay, Việt Nam có 5 chủng virus SARS-Cov-2 đang lưu hành, trong đó có chủng Ấn Độ vừa được phát hiện trong đợt dịch thứ 4. Vậy, độc lực của chủng virus Ấn Độ có cao hơn các chủng khác hay không ?

Ngày 9/5, Bộ Y tế cho biết, kết quả giải trình tự genne được lấy của 8  bệnh nhân mắc Covid-19 tại Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình đều thuộc biến thể B1.167.2 (biến thể Ấn Độ). Trước đó, chiều ngày 7/5, Bộ Y tế cũng thông tin kết quả giải trình tự gene đối với mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội và Hải Dương đều mang biến thể Ấn Độ. Trong khi đó, vài ngày qua cơ quan chức năng các tỉnh, thành đã phát hiện một số bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 sau 14 ngày cách ly. Dư luận đặt câu hỏi, có chăng virus SARS-CoV-2 đã biến đổi và trở nên khó lường hơn.

Về vấn đề này, TS. Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng khoa Virus (Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 4 biến chủng SARS-CoV-2 từ SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tại Vũ Hán đang lưu hành tại Việt Nam.

Theo đó, biến chủng có nguồn gốc châu Âu được xác định từ tháng 7/2020. Tháng 1/2021, Việt Nam ghi nhận biến chủng B.1.351 lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi. Tháng 2/2021, Việt Nam ghi nhận biến chủng B.1.1.7 (biến chủng Anh) ghi nhận tại Hải Dương. Ngày 5/5/2021, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ công bố kết quả giải trình tự gene của một số mẫu trong các ổ dịch cộng đồng tại Vĩnh Phúc và Hà Nam. Trong đó, 3 mẫu từ Vĩnh Phúc thuộc chủng B.1.617.2, là biến thể của Ấn Độ; các mẫu từ Hà Nam thuộc chủng B.1.1.7.

TS. Phương cho biết, biến thể B.1.617.2 lần đầu được xác định tại Ấn Độ vào tháng 12/2020. Các nhà khoa học đã xác định được 3 đột biến L452R, E484Q, P618R trên protein gai của biến thể B.1.617 (biến chủng B1.617.2 tại Việt Nam mang 2/3 đột biến quan trọng: L452R, P618R) làm tăng khả năng bám gắn của virus vào tế bào đích. Điều đó, có thể dẫn đến việc gia tăng khả năng lây nhiễm, cũng như làm tăng khả năng trốn tránh miễn dịch của virus.

Theo TS. Phương, với việc xuất hiện các trường hợp dương tính sau khi hết thời gian 14 ngày cách ly cho thấy khả năng virus có những thay đổi. Việc cùng lúc nhiều biến thể của virus lưu hành thực sự là một trở ngại cho công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, đến nay cũng chưa thấy bằng chứng  về độc lực của biến chủng này cao hơn các biến chủng khác. Sở dĩ tại Ấn độ, số ca tử vong tăng nhanh, ngoài yếu tố virus còn ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế, các bệnh viện quá tải, bệnh nhân có bệnh nền. Do đó, cần phải điều tra, làm rõ các yếu tố khiến số ca tử vong do Covid-19 ở Ấn Độ.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm