pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đôi lần trở về kỷ niệm tuổi thơ
Ảnh minh họa
Anh lái xe ở cơ quan tôi hôm nọ tình cờ ngắt một bông hoa dẻ trên tường rào nhà mình đưa lên cơ quan. Con gái nhỏ của tôi ồ lên thú vị khi phát hiện ra đó là hoa dẻ - loài hoa lần đầu bé gặp nhưng đã từng biết rất lâu từ những câu thơ trong sách giáo khoa: "Bờ cây chen chúc lá/ Chùm dẻ treo nơi nào/ Gió về đưa hương lạ/ Cứ thơm hoài xôn xao". Bông dẻ bé nhỏ ấy gợi tôi nhớ tới những mùa hè xa ngái.
Ngày bé cỡ con gái bây giờ, lớp 3, lớp 4, vào những ngày hè, tôi thường được mẹ gửi xe quen đi từ thành phố về quê. Những bông dẻ trong bụi rậm khi "chín" có màu vàng ươm nổi bật, hương toả lan rất xa. Hoa dẻ thơm nồng nàn khi "chín" vàng nhưng với tôi, mùi quyến rũ nhất của bông hoa là khi úa tàn dần, cánh khô. Lúc ấy, trong nồng nàn hoa dẻ như mang mùi hanh hao vị nắng. Có lẽ nắng tháng 6, tháng 7 ươm đầy trong những cánh hoa ấy chẳng nỡ rời bông hoa mà đi, kể cả khi hoa đã tàn.
Hoa dẻ chen chúc trong từng bụi rậm ở những con dốc núi đồi dẫn về nhà bà nội gắn với một thời ấu thơ tôi. Với con bé tóc râu ngô vì dang nắng ngày ấy, một bông dẻ thôi cũng như quà tặng đầy ý nghĩa của thiên nhiên. Mà nắng đâu chỉ trong những đóa hoa nồng nàn, nắng trốn trong vị mít thơm lừng, nắng theo cả trong vị trái chay chín thanh nhẹ mà bà nội vẫn hay mang về cho đứa trẻ thành phố mê những món quà quê... Mùa hè là mùa để có thể cảm nhận rõ nhất vị nắng trong từng hương hoa vị quả.
Vẫn là dạo bé, mẹ thường làm một món ăn vặt mà bọn trẻ chúng tôi mê tít. Cơm nguội khô mẹ rải đều trên mâm gang, đặt trên sân thượng. Chỉ sau một ngày, hạt cơm khô cứng lại. Trong những đêm trăng sao sáng, mẹ cho tí mỡ, thả nắm cơm khô ấy vào chảo, đảo đều tay. Mùi thơm lừng thức dậy khắp gian bếp. Một tí đường rắc vào trước khi mẹ nhấc chảo xuống để món quà nhà nghèo thêm hấp dẫn. Cốm được thưởng thức trên sân thượng lộng gió, xung quanh là trăng sao sáng vằng vặc. Tôi luôn cảm nhận vị giòn tan, thơm tho của hạt cốm từ cơm nguội ấy ngon là nhờ bàn tay khéo léo của mẹ, nhờ cái nắng chói chang ngày hè. Và những đêm hè giữa trăng sao, bên mẹ vẫn là nỗi nhớ rất êm khi bất chợt nghĩ tới.
Bạn tôi lại nhớ vị cá thu một nắng trong những ngày nắng như đổ lửa. Quê bạn vùng biển, vào những ngày nắng nhất, mẹ lại mua những con cá thu be bé ở chợ, về làm sạch, cắt thành từng khúc phơi trên nia. Mẹ bạn vẫn nói: Những khúc cá nhỏ thịt ngon hơn, ngọt hơn, trong khi nhiều người thích chọn miếng cá to hơn. Chiều về, khi nắng đã nhạt, những khúc cá se lại sau một ngày phơi nắng, lớp ngoài hơi dai, màu hơi rộm vàng vẫn giữ lại từng thớ thịt cá mềm ngọt bên trong. Nắng theo khúc cá thu vào bếp, dưới bàn tay tảo tần của mẹ, sốt cà chua hay kho tiêu mặn ngọt ngon số 1. Với bạn tôi và cả với tôi, những miếng cá thu mang vị tảo tần của mẹ, mang vị nắng, vị gió quê mình vẫn ngon hơn hẳn những vùng miền khác. Không chỉ vì cá thu vùng biển miền Trung ngon có tiếng, còn vì chất chứa bao kỷ niệm, nỗi niềm riêng trong đó nữa.
Bạn tôi bảo, kỷ niệm là một giá trị mà tiền không thể mua nổi. Tuổi thơ của tôi, của bạn hẳn không quên vị nắng mang theo vị mồ hôi hanh hao trên bờ vai, tấm lưng áo bố mẹ. Bố mẹ tôi một thời là những người lao động tay chân, đạp xích lô chở than giữa phố nuôi con cái ăn học. Vị nắng thương nhất, ấn tượng nhất vẫn là khi mang theo vị mặn mồ hôi nhọc nhằn của bố, mẹ. Nhưng vị nắng cũng thơm tho, ngọt ngào khi đã đọng trong những kỷ niệm ngày hè đáng yêu hết nấc của những đứa trẻ miền Trung. Để rồi, trong một sáng bắt đầu tháng 7, đi làm nắng rọi chói chang qua những con phố vắng ngày dịch, tôi bỗng thấy lòng mình xốn xang vị nắng.