pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền về công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong Quân đội
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Quốc phòng, trao quà tặng các gia đình tiêu biểu tại diễn đàn “Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc”
Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Ban Phụ nữ Quân đội, cho biết: "Tôi nhận thấy, công tác tuyên truyền VSTBCPN và bình đẳng giới trong Quân đội thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi và nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động, hội viên phụ nữ trong toàn quân. Có thể khái quát thành một số điểm nổi bật sau đây:
Đó là công tác tuyên truyền VSTBCPN và bình đẳng giới trong Quân đội đã quán triệt, thực hiện nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan cấp trên, trực tiếp là Ủy ban Quốc gia VSTBCPN Việt Nam.
Đề ra yêu cầu cao về nhiệm vụ, trách nhiệm, sự vào cuộc của cơ quan tuyên huấn các cấp và báo chí trong Quân đội đối với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và thực hiện bình đẳng giới.
Thường xuyên đổi mới, sáng tạo, phong phú về nội dung và đa dạng hóa về hình thức tuyên truyền như tuyên truyền trực quan qua hệ thống pano, khẩu hiệu, tờ rơi...; tuyên truyền miệng; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh nội bộ; lồng ghép tuyên truyền vào hội nghị, hội thảo, tập huấn, các cuộc thi; tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan, báo chí truyền thông trong và ngoài Quân đội. Trung bình mỗi năm, Ban Phụ nữ Quân đội phối hợp với hơn 20 cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài Quân đội, tuyên truyền hơn 600 tin, bài, phóng sự về các hoạt động của Phụ nữ Quân đội, về kết quả thực hiện VSTBCPN và bình đẳng giới trong Quân đội.
Hiệu quả của công tác tuyên truyền về bình đẳng giới không chỉ có sức lan tỏa trong phạm vi toàn quân mà còn có ý nghĩa thiết thực, tạo hiệu ứng tốt trong phạm vi toàn quốc; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, tỏa sáng phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
Bên cạnh việc phát huy vai trò của những ấn phẩm truyền thống (cuốn Thông tin Phụ nữ Quân đội), chúng tôi đã tận dụng thế mạnh của internet, các nền tảng mạng xã hội trong tuyên truyền. Ví như: Trang Thông tin Phụ nữ Quân đội điện tử qua hơn 2 năm đi vào hoạt động thu hút gần 4,2 triệu lượt truy cập; fanpage HOA XƯƠNG RỒNG hiện có gần 14.000 thành viên, với 4.498 bài viết, 5.694 bình luận, 63.763 cảm xúc tương tác trong năm 2023.
Xuất phát từ đặc thù nam giới là lực lượng đông đảo tại các cơ quan, đơn vị và toàn quân, chiếm gần 92% tổng quân số, chúng tôi đã xây dựng và nhân rộng mô hình "Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới" tại các cơ quan, đơn vị; tổ chức diễn đàn "Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc" thu hút, huy động sự tham gia của đông đảo nam giới trong thực hiện bình đẳng giới, tạo nên nguồn sức mạnh to lớn, hứa hẹn thành công và kết quả tốt đẹp của công tác VSTBCPN và bình đẳng giới trong Quân đội".
PV: Theo đồng chí, công tác tuyên truyền VSTBCPN và bình đẳng giới trong Quân đội thời gian tới cần đáp ứng những yêu cầu gì?
Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền: Thời gian tới, công tác tuyên truyền VSTBCPN và bình đẳng giới cần đạt được yêu cầu "đúng, trúng, thường xuyên, sáng tạo, hiệu quả".
Đúng là yêu cầu đầu tiên và quan trọng là phải đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Trúng: Nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới phải phong phú, nhiều góc độ, nhiều khía cạnh để khai thác. Vì vậy, cần lựa chọn được vấn đề mấu chốt, vấn đề cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ Quân đội "đang thiếu, yếu, đang cần và có khả năng tác động mạnh vào nhận thức và thay đổi hành vi của đối tượng được tuyên truyền".
Bên cạnh đó, tuyên truyền về bình đẳng giới cần thường xuyên, kiên trì, bền bỉ; có bài bản, mọi lúc, mọi nơi, không để vùng trắng, đối tượng trắng, thời gian trắng trong công tác tuyên truyền.
Đặc biệt, để đạt được tính lôi cuốn, hấp dẫn, thiết thực, thuyết phục, tác động mạnh tới nhận thức, hành động trong thực hiện bình đẳng giới không có cách nào khác chúng ta phải không ngừng sáng tạo về nội dung, hình thức, phương thức và đa dạng hóa kênh thông tin tuyên truyền.
Chỉ khi nào tuyên truyền có hiệu quả thì chúng ta mới càng tiệm cận đến mục tiêu xây dựng một xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", "công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt", được sống, học tập, công tác, lao động và cống hiến trong một môi trường bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.