Đổi thay trên vùng biên viễn

PV
10/11/2022 - 12:29
Đổi thay trên vùng biên viễn

Ngày mùa người dân thu hoạch lúa

Pa Vệ Sủ là xã vùng cao của huyện Mường Tè, với 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người La Hủ chiếm tỉ lệ lớn. Những năm qua, nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đời sống người dân dần thay đổi.

Người dân vươn lên thoát nghèo

Mường Tè là huyện vùng cao tỉnh Lai Châu, có 13 dân tộc sinh sống, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có các dân tộc đặc biệt khó khăn như Cống, Mảng, La Hủ. Toàn huyện có 6 xã biên giới Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ và 12/14 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. 

Xã Pa Vệ Sủ cách trung tâm huyện Mường Tè hơn 20km. Đây là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của các cấp chinh quyền, đặc biệt là Hội Phụ nữ, những năm qua đời sống người dân Pa Vệ Sủ ngày càng cải thiện. 

Trước đây, gia đình bà Ly Mỳ Hừ (dân tộc La Hủ, bản Seo Thèn, xã Pa Vệ Sủ) thuộc diện hộ nghèo. Đời sống của gia đình quanh năm thiếu đói. Khi được Nhà nước hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, bà đã trồng 2 sào ruộng lúa và chăn nuôi lợn. Ngoài ra, gia đình bà còn nhận chăm sóc bảo vệ rừng. Đến nay, kinh tế gia đình khá hơn, mỗi năm thu nhập khoảng 40 triệu đồng và thoát nghèo.

Tương tự, cách đây vài năm gia đình ông Ly Hà Xá (dân tộc La Hủ ở bản Seo Thèn, xã Pa Vệ Sủ) thuộc diện hộ nghèo, đời sống rất khó khăn. Được sự hướng dẫn của cán bộ UBND xã, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Hiện gia đình ông nuôi 15 con lợn, gần 100 con ngan, gà và kết hợp thêm buôn bán hàng tạp hóa, thu nhập trung bình khoảng 40 triệu đồng/năm.

Đổi thay trên vùng biên viễn - Ảnh 1.

Sức sống mới trên vùng đất Pa Vệ Sủ

Ông Lý Gạ Chờ, Trưởng bản Seo Thèn cho biết, bản có 83 hộ, 100% là dân tộc La Hủ. Những năm qua, người dân bản Seo Thèn đã phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người dân dân từ bỏ lối sống du canh, du cư. Giờ bà con đã quần tụ, lập bản tập trung phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền các cấp, dân bản đã biết làm ruộng lúa, chăn nuôi trâu, bò tập trung, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: riềng, sa nhân tím, sâm Lai Châu. 

Nhờ vậy mà tỷ lệ hộ nghèo trong bản giảm từ trên 90% (năm 2015) nay chỉ còn 60%, thu nhập bình quân đạt trên 22 triệu/người/năm. Ngoài ra, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" là 93,26%. Người dân trong bản tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, ma tuý, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông. 

Đổi thay trên vùng biên viễn - Ảnh 2.

Người dân Pa Vệ Sủ chăn nuôi gia súc

Đời sống người dân được cải thiện

Ông Giàng Ha Cà, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ cho biết, xã có hơn 30km đường biên giới. Xã có 12 bản, 3 cụm dân cư và 9 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người La Hủ chiếm tỷ lệ lớn. Do địa hình phức tạp, giao thông cách trở cùng với trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác lạc hậu khiến tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao.

Trước tình hình đó, công tác xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ cấp thiết đối với địa phương. UBND xã đã rà soát những hộ gia đình nằm trong chương trình để hỗ trợ về vốn, giống cây, con và vật tư nông nghiệp. Địa phương cũng xác định, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng và phát triển chăn nuôi là mũi nhọn về kinh tế để nâng cao năng suất, sản lượng.

Đổi thay trên vùng biên viễn - Ảnh 3.

Lành đạo UBND tỉnh Lai Châu thăm và tặng quà cho người dân bản Seo Thèn, xã Pa Vệ Sủ nhân ngày hội Đại Đoàn kết dân tộc

Với sự hỗ trợ của cấp trên, người dân các bản tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đến nay, chăn nuôi gia súc toàn xã đạt 1.750 con, gần 2.260 con gia cầm và nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả. Trong đó, trong năm 2020, UBND xã triển khai trồng 65ha riềng, 122ha sa nhân tím; triển khai 2 mô hình bò sinh sản với 54 con. Từ đó, góp phần tăng đàn gia súc đạt 12%/năm. Cùng với thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trên 14.400ha rừng, người dân trong xã được thụ hưởng trên 14 tỷ đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Đổi thay trên vùng biên viễn - Ảnh 4.

Hạ tầng giao thông tại Pa Vệ Sủ đã thay đổi, mang diện mạo mới

Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi, UBND xã còn vận động người dân trồng các loại cây dược liệu như: Thảo quả, sa nhân tím, tam thất và tích cực giữ rừng để được hưởng dịch vụ môi trường rừng. Thu nhập của người dân trong xã cũng nhờ đó mà ngày một nâng lên.

Kinh tế từng bước phát triển, thu nhập tăng lên, người dân các bản tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương. Phong trào hiến đất, góp công làm đường giao thông nội bản, nội đồng phát triển rộng khắp, thu hút sự tham gia tích cực của người dân các bản. Cơ sở hạ tầng: Điện, đường, trường học, trạm y tế trên địa bàn xã cũng từng bước được đầu tư, hoàn thiện, góp phần làm thay đổi diện mạo của xã. Nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, người dân các bản tích cực xây dựng đời sống văn hóa mới lành mạnh đi đôi với giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Đổi thay trên vùng biên viễn - Ảnh 5.

Người dân thu hoạch lúa

Theo ông Cà, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Pa Vệ Sủ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt ra mục tiêu thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6%/năm trở lên. Riêng năm 2022, Pa Vệ Sủ phấn đấu sản lượng lương thực có hạt đạt trên 1.600 tấn, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 6% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 88,5% (năm 2021) xuống còn 81,6% theo tiêu chí mới; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 86%. Qua đó, giúp nhân dân cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm