Đối thoại với sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ, trẻ em

13/03/2019 - 09:16
Sự kiện diễn ra tại trường ĐH Luật Hà Nội, bắt đầu từ 9h sáng nay, 13/3/2019. Hoạt động này do TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Cơ quan liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức.
chu-tich-doi-thoai-15.jpg
Các đại biểu cùng với sinh viên tại cuộc đối thoại thể hiện quyết tâm cùng hành động vì “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. 

Chương trình Đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em được tổ chức nhân kỷ niệm 1979 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 109 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 88 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đây cũng là sự kiện trong chuỗi hoạt động của Hội LHPN Việt Nam theo chủ đề năm 2019: “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”.

Chương trình hướng đến tuyên truyền, chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức, hành động cho sinh viên, tạo cơ hội cho sinh viên đóng góp ý kiến, nêu quan điểm sáng kiến của mình về bình đẳng giới qua việc trao đổi và hỏi – đáp trực tiếp giữa sinh viên với đại diện của Hội LHPN Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UN Women.

Trực tiếp tham gia đối thoại với sinh viên có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban hấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Ban Chấn hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và bà Eliza Fernandez Saenz, Trưởng văn phòng UN Women.

Tham gia chương trình còn có đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành, đoàn thể, đại diện lãnh đạo các trường đại học có sinh viên tham dự và đặc biệt là gần 600 sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chương trình cũng có sự tham gia của đại diện các gương mặt được đề cử cho giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 208: Nguyễn Phương Thảo – Huy chương Vàng  Olympic Sinh học quốc tế, đại kỷ lục thí sinh có điểm thi cao nhất thế giới và Đào Tố Loan – Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, giải nhất cuộc thi Singapore Lyric Opera 2018.

An toàn cho phụ nữ nơi công cộng sẽ là nội dung chính trong phần tranh biện của sinh viên. Sinh viên tham gia đối thoại cũng sẽ được thể hiện ý kiến cá nhân trong phần tương tác với khán giả (sử dụng smartphone) qua trò chơi kahoot về bình đẳng giới. 

9h15:

chu-tich-doi-thoai1.jpg
Các sinh viên vỗ tay theo kiểu người khiếm thính chào khách mời, bắt đầu cuộc đối thoại.


Hơn 60 sinh viên khiếm thính có mặt tại chương trình đã cùng hàng trăm sinh viên đứng lên vỗ tay theo kiểu người khiếm thính. Đó là những cánh tay giơ lên giữa không trung, cùng những nụ cười tươi tắn.

9h30: Tranh biện: Có nên hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục?

chu-tich-doi-thoai-1.jpg
Sinh viên Thùy Linh tham gia tranh biện xung quanh chủ đề có nên hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục.

Phần tranh biện của sinh viên được chia làm hai đội (mỗi đội 4 bạn) theo hai “phe”: Ủng hộ và không ủng hộ việc hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục.

Trước khi tranh biện là cuộc khảo sát nhanh khán giả về quan điểm trước vấn đề này.

Câu hỏi được đưa ra là có bao nhiêu bạn trong hội trường ủng hộ việc hình sự hóa các hành vi quấy rối tình dục?

Câu trả lời là phần lớn các cánh tay được giơ lên cho hành vi ủng hộ việc hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục.

Thùy Linh – thành viên của đội ủng hộ đã thuyết trình về những hành vi cụ thể được cho là quấy rối tình dục. Sinh viên này khẳng định hành vi quấy rối tình dục đang có sự gia tăng và hình sự hóa là cách răn đe tốt nhất cho hành vi này.

Đại diện đội phản đối hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục cho rằng không phù hợp. Tuy nhiên quan điểm là lên án hành vi quấy rối tình dục và không xem nhẹ. Luận điểm của đội này là ko tồn tại căn cứ xác định đích đáng mức độ của hành vi quấy rối tình dục. Tác động của quấy rối là rõ nhưng chưa đủ để kết tội, mức ảnh hưởng chưa đủ nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự, chưa có thang đo cụ thể nào đánh giá mức độ ảnh hưởng đến tâm sinh lý người bị hại. Xử lý bằng luật cần dựa trên bằng chứng rõ ràng, nếu không sẽ tạo ke hở để tạo nên mục đích xấu.

9h45: Tranh luận trở lại, thành viên của đội ủng hộ hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục đưa ra luận điểm: Nếu cho qua thì hành vi của quấy rối sẽ bị xem nhẹ, không được xem là hành vi đáng bị lên án. Hình sự hóa  hành vi này sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục cho nhiều người. Khi hình sự hóa sẽ phải đi kèm với tuyên truyền pháp luật giúp tăng cường hiểu biết, nhận thức trong phòng chống, ứng xử khi bị quấy rối. Từ đó sẽ giúp cho xã hội an toàn hơn.

chu-tich-doi-thoai-3.jpg
2 đội tham gia tranh biện xung quanh nên hay không dùng chế tài hình sự cho hành vi quấy rối tình dục.

Nhiều người đang bị quấy rối nhưng chưa có văn bản nào khẳng định họ bị quấy rối.

“Các bạn tin rằng việc hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục giúp cho xã hội an toàn hơn?”. Đội không ủng hộ hình sự hóa phản biện ngay sau đó cho rằng, luật pháp Việt Nam cũng đưa ra quan điểm, pháp luật cần tính đến tâm lý và ảnh hưởng xấu đến nạn nhân. Nếu không khéo sẽ chẳng khác gì tái hãm hại nạn nhân. Xử lý bằng luật, quan trọng nhất là tính chính xác và nhất quán của bằng chứng. Đại diện đội này cũng phản biện đội ủng hộ về việc răng đe đối tượng quấy rối sẽ chùn chân. Đừng quên rằng đối tượng quấy rối họ sẽ biết hành vi của họ không đủ cơ sở để đưa ra luật pháp lên nếu nói lo sợ thì khó. Quan trọng nhất, nạn nhân bị quấy rối chưa nhận thức được mình là nạn nhân, vì vậy nếu hình sự hóa, khi cần bằng chứng thực tế nếu nạn nhân không có bằng chứng pháp lý thì liệu họ có bị bỏ ngoài xã hội? Thông điệp là tất cả hãy cùng tiến lên phía trước và không ai tụt lại phía sau.

Tiếp đó, đội ủng hộ “phản pháo”: Ta sẽ gia nhập nhiều công ước về bạo lực tình dục, hình sự hóa quấy rối dưới góc độ nhân quyền là hoàn toàn khả thi, tất yếu. Hành vi này có nguy cơ xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự của nạn nhân nên hình sự hóa là khả thi. Dưới góc độ là người trẻ dấy lên tiếng nói nhân quyền, lộ trình 5 năm để xây dựng pháp luật là điều hoàn toàn khả thi.

10h: Đa số sinh viên ủng hộ xử lý hình sự hành vi quấy rối tình dục

Cuộc tranh biện được thực hiện theo phong cách của nghị viện Anh diễn ra rất sôi nổi, hào hứng, đưa ra vấn đề mà xã hội cùng quan tâm

482 cánh tay ủng hộ hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục, chỉ 15 ý kiến phản đối.

Sau phần tranh biện, ban tổ chức thực hiện lấy ý kiến lại, vẫn đa số ý kiến ủng hộ việc cần xử lý hình sự hành vi này.

img_9963.JPG
Cuộc tranh biện thu hút sự quan tâm của sinh viên.

10h15: Chủ tich Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà: Các chỉ số về bình đẳng giới đều tăng lên đáng kể

Trực tiếp tham gia đối thoại với sinh viên là bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam; Bà Eliza Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam.

chu-tich-doi-thoai-5.jpg
Sinh viên đặt câu hỏi với Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam về vấn đề bình đẳng giới.

Trả lời câu hỏi của sinh viên về thành tựu 10 năm liên quan đến vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, vấn đề bình đẳng giới đang ngày được quan tâm nhiều hơn. Dưới góc độ chính sách, hiện nay trong các văn bản luật được Quốc hội thông qua đều đảm bảo được yếu tố lồng ghép giới, luật pháp ban hành văn bản không tác động bất lợi đến 2 giới.

“Quốc hội khóa 13 có 41,9% tỷ lệ văn bản được lồng ghép giới. Tỷ lệ nữ tham gia vào các lĩnh vực đều tăng, Quốc hội hiện có 27,6% nữ đại biểu. Trong kinh tế, tỉ lệ nữ tham gia doanh nghiệp, lao động tăng lên rất ấn tượng. Trong lĩnh vực chính trị, các lĩnh vực khác, rồi nữ tri thức, đội ngũ PGS tăng 2,6% lần sau 10 năm. Các con số nhìn chung tăng lên đáng kể!” – bà Hà nêu một vài dẫn chứng.

Cũng theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Việt Nam là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất các mục tiêu thiên niên kỷ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề về bình đẳng giới.

“Trên thực tế, vai trò vị thế của phụ nữ nâng lên phụ nữ được tôn trọng nhiều hơn, nam giới chia sẻ công việc nhà nhiều hơn với chị em. Bạn bè quốc tế bất ngờ khi Việt Nam còn có ngày 20/10 là ngày của riêng phụ nữ Việt Nam” – bà Hà chia sẻ.

chu-tich-doi-thoai-6.jpg
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà (giữa) và Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ chí Minh, Chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam Lê Quốc Phong đối thoại với sinh viên.

10h35: Chăm lo, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của tổ chức Đoàn

chu-tich-doi-thoai-7.jpg
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Lê Quốc Phong đối thoại với sinh viên. 

Sinh viên Nguyễn Hà Trang, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đặt câu hỏi với Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Lê Quốc Phong: Kính đề nghị anh có thể thông tin về một số hoạt động cụ thể của tổ chức Đoàn, Hội, Đội đối với việc chăm lo, bảo vệ, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho trẻ em gái trong thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới?

Anh Lê Quốc Phong: Trẻ em là đối tượng Đảng giao cho Đoàn giáo dục, dìu dắt, tạo môi trường cho các em phát triển toàn diện. Luật trẻ em đã ban hành và dành một điều cho tổ chức Đoàn và rải rác ở nhiều điều khoản khác về vai trò trách nhiệm của tổ chức Đoàn. Trong Đại hội Đoàn lần thứ XI chúng tôi cũng dành sự quan tâm đến các em thông qua nhiệm vụ, chỉ tiêu nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn các cấp cũng tổ chức một loạt diễn đàn để lắng nghe ý kiến các em từ đó có những đề xuất tham mưu thiết lập chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức hoạt động tăng cường sự quan tâm của xã hội đối với các em; tổ chức nhiều hoạt động để các em bày tỏ nguyện vọng của mình thông qua hoạt động: vẽ tranh, văn hóa văn nghệ… Chúng tôi tham gia mạng lưới Ủy ban Quốc gia về chăm sóc bảo vệ trẻ em, với tổng đài 111.

Tổ chức đoàn cơ sở là 1 trong những kênh phát hiện kịp thời những vụ việc xâm hại bạo hành trẻ em. Chúng tôi xem những địa phương có xảy ra vụ việc liên quan trẻ em mà tổ chức đoàn đội nơi đó không phát hiện kịp thời phải có trách nhiệm. Bên cạnh đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có Nhà xuất bản Kim Đồng chuyên sản xuất sách cho trẻ em, trong đó tập trung làm sách về rèn luyện kỹ năng, chăm sóc bảo vệ các em Chúng tôi triển khai để làm sao các em tham gia vào hệ thống các nhà thiếu nhi để các em có môi trường rèn luyện, khẳng định năng lực, giá trị bản thân của mình. Thời gian tới, tổ chức Đoàn sẽ tập trung làm tốt hơn những việc trên và tăng cường nhận thức của tổ chức đoàn các cấp về vai trò, trách nhiệm với trẻ em; đồng thời, truyền thông nâng cao nhận thức xã hội về chăm sóc giáo dục trẻ em.

10h40: Chênh lệch về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ là một rào cản lớn

Bùi Linh Chi - Sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - đặt câu hỏi cho bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam: Độ tuổi nghỉ hưu theo pháp luật giữa nam (60) và nữ (55), anh chị nghĩ là đã hợp lý hay chưa ? Còn gì bất cập không ? Và điều này đã phù hợp với Luật Bình đẳng giới hay tình hình thực tế không?

chu-tich-doi-thoai-9.jpg
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam tham gia đối thoại.

 

Bà Elisa Fernandez: Cân bằng về cơ hội trong thị trường lao động bao gồm cả cân bằng ở độ tuổi nghỉ hưu. Việt Nam có khoảng cách độ tuổi nghỉ hưu giữa nam giới và phụ nữ. Đây là một rào cản lớn. Nghỉ hưu sớm hơn 5 năm ảnh hưởng tới cơ hội đào tạo, bổ nhiệm, thăng tiến cho phụ nữ. Phụ nữ về hưu sớm thì lương hưu cũng thấp hơn nam trong khi tuổi thọ trung bình của họ lại cao hơn nam là 7 năm. Bên cạnh đó, xã hội quan niệm rằng, khi phụ nữ về hưu thì sẽ quay lại với công việc chăm sóc con cháu, nhường chỗ cho thế hệ trẻ trong khi vai trò này thì phải bao gồm mong đợi của xã hội đối với cả nam giới chứ không riêng gì phụ nữ. Chúng tôi đang cùng trao đổi với các bộ, ngành, tổ chức của Việt Nam để sửa đổi bộ luật Lao động trong đó có nội dung liên quan đến tuổi nghỉ hưu. Theo tôi, Việt Nam sẽ dần thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ (62 tuổi với nam giới và 60 tuổi với nữ). Khi đó, khoảng cách sẽ thu hẹp từ 5 năm xuống 2 năm. Điều này giúp phụ nữ có cơ hội lương hưu cao hơn, được cống hiến nhiều hơn cho xã hội.

10h50: Những rào cản với nữ giới trong giáo dục và nghiên cứu khoa học

Bùi Hữu Vinh, sinh viên K38 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đặt câu hỏi cho Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà: Thực tế sinh viên các vùng có tỉ lệ nữ cao, một số trường chiếm 50%. Nhưng càng học lên cao thì tỉ lệ nữ càng giảm. Đâu là rào cản đối với phụ nữ trong học tập và nghiên cứu?

chu-tich-doi-thoai-8.jpg
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đối thoại với sinh viên. Ảnh: Như Ý

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Thật đặc biệt khi vấn đề này được sự quan tâm từ một nam giới. Đây là thực tế, tỷ lệ nữ sinh gần như tương đương thậm chí cao hơn nam giới nhưng càng học lên cao thì tỷ lệ này càng thấp.

Vừa rồi chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động với khối trường KHTN – “lãnh địa” mà nữ giới ít quan tâm thì tỷ lệ nữ sinh đã tăng nhiều, hiện là 61%.

Hay như các trường ĐH Bách khoa, y khoa thì số nữ sinh cũng hơn 40%. Tỷ lệ nữ thủ khoa hiện cao hơn cả nam giới. Nhưng rào cản là gì? Đó là định kiến giới tồn tại quá lâu không chỉ thực tế mà còn tồn tại dai dẳng trong suy nghĩ của nhiều người. Nếu gia đình có 2 người con 1 nam 1 nữ mà quyết định chọn đầu tư cho ai thì chắc chắn là chọn đầu tư cho nam.

Quan niệm là phụ nữ học cao để làm gì cũng là một rào cản. Nghiên cứu của tôi về việc bạn mong đợi gì về phẩm chất gắn với giới? Kết quả cho thấy, phẩm chất nam giới gần như trùng khít với phẩm chất của người lãnh đạo, còn phụ nữ thì ngược lại. Định kiến nam trưởng nữ phó, định kiến lãnh đạo là phải nam giới vẫn còn rất phổ biến.

Thứ 2, trên thực tế, thời gian phụ nữ dành cho gia đình cũng là rào cản. Chị em phụ nữ rất sẵn sàng vui vẻ với vai trò của mình nhưng nếu được chia sẻ thì sẽ hạnh phúc hơn, cơ hội phát triển nhiều hơn. Bộ LĐTB&XH công bố thời gian làm việc nhà của chị em mỗi ngày trung bình là 175 phút, hơn nam giới 70 phút. Chúng tôi rất cần sự chia sẻ. Trung bình một người phụ nữ mất 5 – 8 năm cho việc sinh con và nuôi con nhỏ (với phụ nữ có 2 con và khoảng cách độ tuổi giữa hai con là 3 – 5 năm). Phụ nữ được làm mẹ vô cùng hạnh phúc nhưng đổi lại mất nhiều thời gian cho việc này. Trong khi đó, các dịch vụ xã hội hỗ trợ vẫn còn hạn chế. Sau khi tốt nghiệp ĐH, rất cần các dịch vụ hỗ trợ gia đình như nhà trẻ, đưa đón con… để hỗ trợ chị em học cao hơ như học viên học cao học, nghiên cứu sinh. Họ sẽ gửi trẻ ở đâu nếu không có nhà trẻ trong trường học để tạo điều kiện cho con họ? Rất nhiều trường ĐH hiện nay ko có nhà trẻ, đây là một thách thức lớn. Tiếp theo nữa là về chính sách. Như chị Elisa nói về tuổi nghỉ hưu chẳng hạn, các độ tuổi theo đó cũng bị kéo theo nhiều chậm trễ. Độ tuổi đi học gần như gắn với giai đoạn thiên chức làm mẹ. Luật Bình đẳng giới quy định rõ chính sách cho phụ nữ có con nhỏ dưới 36 tháng, đã ban hành và có hướng dẫn nhưng không thực hiện được vì quy định quá chung chung. Một lý do gây rào cản nữa là bản thân chị em phụ nữ, nhiều chị em học giỏi nhưng do lo toan cuộc sống, mệt mỏi buông tay không thực sự quyết tâm sắp xếp công việc khoa học để theo đuổi con đường học tập nghiên cứu.

10h58: Động lực của "cô gái Vàng" Việt Nam

Nguyễn Phương Thảo - nữ sinh đoạt Huy chương Vàng và có số điểm cao nhất tại kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế năm 2018. Trả lời câu hỏi về động lực vượt qua khó khăn để có thành công như hôm nay, Nguyễn Phương Thảo cho biết sớm có tình yêu, sự tò mò đối với thế giới tự nhiên đã đưa em đến gần với sinh học. Người ảnh hưởng và truyền tình yêu, động lực gắn bó sinh học là bà nội em. Khi tham dự kì thi thì màu cờ sắc áo là động lực để em cố gắng đóng góp đến thành tích của các đội, cả nước. Chính sự quan tâm của thầy cô, gia đình và bạn bè đã giúp em đạt thành công nho nhỏ. Đây là động lực để em cố gắng.

chu-tich-doi-thoai-10.jpg
"Cô gái vàng" Nguyễn Phương Thảo tham gia cuộc Đối thoại.

 

11h: Sắp tới, Đoàn sẽ có “sân chơi” tốt hơn cho nữ thanh niên khuyết tật

Nguyễn Thị Hồng – một bạn trẻ khuyết tật - đặt câu hỏi cho anh Lê Quốc Phong về sự quan tâm chia sẻ của tổ chức Đoàn đối với người khuyết tật.

Anh Lê Quốc Phong: Các bạn trẻ, sinh viên khuyết tật là đối tượng tổ chức Đoàn, Hội quan tâm. Chúng tôi có nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ và tư vấn trang bị kỹ năng, tâm lý giúp các bạn khuyết tật tự tin hoà nhập với cộng đồng. Chúng tôi luôn xem các bạn như những người bình thường và rất trân trọng mời gọi các bạn tham gia hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội. Có nhiều hoạt động riêng dành cho sinh viên khuyết tật, tôn vinh sự cố gắng, thành tích của các bạn trong cuộc sống. Những chương trình này không chỉ đang giúp cho các bạn mà cũng chính là giúp chúng tôi, giúp những người trẻ may mắn hơn các bạn có thêm nghị lực nỗ lực hơn trong cuộc sống. Chúng tôi đã có những sân chơi văn hoá văn nghệ dành cho các bạn khuyết tật. Đối với các bạn nữ thanh niên khuyết tật, sắp tới sẽ có những chuyên đề riêng, môi trường tốt hơn để các bạn có thể tham gia.

11h5: Rất nhiều nữ giới bị bạo lực hẹn hò

Sinh viên Nguyễn Thị Doãn Na, Học viện Phụ nữ Việt Nam, đặt câu hỏi với bà Elisa Fernandez Saenz: Bạo lực gia đình được nhắc đến khá nhiều hiện nay, trong đó nhiều vấn đề liên quan tới bạo lực giữa vợ chồng. Chúng ta cũng đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, với những người đang yêu nhau chưa kết hôn, bạo lực vẫn xảy ra. Giải pháp nào cho những trường hợp này?

Bà Elisa Fernandez Saenz: Đây là vấn đề bản thân tôi rất quan tâm. Những bạn trẻ còn hẹn hò mà xảy ra hành vi bạo lực là không thể chấp nhận được. Nó thể hiện sự kiểm soát bất bình đẳng trong mối quan hệ đó. Chúng tôi từng có một cuộc khảo sát với một nhóm bạn nữ tình trạng bạo lực khi đang hẹn hò, kết quả thật bất ngờ khi có đến 60% bạn nữ đã phải trải nghiệm hình thức bạo lực khi hẹn hò, như: Kinh tế, tình dục, thể xác, công nghệ (tin nhắn, hình ảnh tế nhị công bố trên mạng xã hội…). Khi bạo lực hẹn hò xảy ra khiến nạn nhân tự ti, thậm chí đã xảy ra hành vi tự tử. Bạo lực hẹn hò nguy hiểm và có nguy cơ tăng tiến khi 2 người có mối quan hệ hôn nhân. Chúng tôi đề nghị các bạn cần chung tay giải quyết vấn đề này. Các bạn tham gia vào chiến dịch, chương trình giáo dục về nâng cao kỹ năng để giải quyết vấn đề, không để xảy ra xung đột.

11h10:

Tham gia chương trình còn có gương mặt của Đào Tố Loan - một trong 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018. Tố Loan từng giành giải nhất cuộc thi Singapore Lyric Opera 2018 - cuộc thi âm nhạc uy tín dành cho thí sinh chuyên nghiệp của các nước Đông Nam Á, giải nhất Sao Mai 2011 dòng nhạc thính phòng. Cô hiện là giảng viên học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam và là nghệ sĩ trẻ, tham gia solo cùng dàn nhạc giao hưởng những vở nhạc kịch nổi tiếng, biểu diễn nhiều nơi trong nước và quốc tế...

chu-tich-doi-thoai-14.jpg
Giảng viên Đào Tố Loan trình diễn tại chương trình.

Xuất hiện trên sân khấu, đối thoại với sinh viên, Tố Loan cho rằng: “Phụ nữ luôn giữ vai trò quan trọng trong gia đình, xã hội; sáng tạo và gìn giữ nền văn hoá của dân tộc. Các bạn trẻ, đặc biệt thanh niên lĩnh vực nghệ thuật sẽ được sống có đam mê hoài bão, có cơ hội phát huy thế mạnh và biến ước mơ thành hiện thực”. Nữ giảng viên gửi tặng chương trình một nhạc phẩm mang tên “Nào ta cùng đón xuân”.

11h20: Chương trình khép lại với khoảnh khắc đẹp của các đại biểu cùng với sinh viên tại cuộc đối thoại, đó là thể hiện quyết tâm cùng hành động vì “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm