Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho biết: Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ trong trường hợp khi có một người trong gia đình đang tham gia lực lượng dân quân tự vệ; người đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; hộ cận nghèo; quân nhân phục viên, xuất ngũ chuyển ngành; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời gian tạm hoãn…
Theo ông Võ Trọng Việt, dự thảo Luật đã mở rộng diện đối tượng được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để tương thích với một số đối tượng được tạm hoãn, miễn tại Luật Nghĩa vụ quân sự, nhằm cụ thể hóa chính sách ưu đãi đối với gia đình người có công với cách mạng, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn...
Với “trường hợp trong gia đình có nhiều người trong độ tuổi, người trong hộ cận nghèo; quân nhân phục viên, xuất ngũ chuyển ngành chưa xếp vào đơn vị dự bị động viên không thuộc diện chính sách ưu tiên nếu tạm hoãn, miễn cho họ sẽ không bảo đảm công bằng về quyền và nghĩa vụ của công dân”, ông Việt nói.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, nêu ra thực trạng hiện nay là chưa có chính sách tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự với đối tượng là phụ nữ đang mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ. Chính vì thiếu cơ sở pháp lý nên đã gây ra tình trạng lúng túng, khó thực hiện cho các cơ quan, đơn vị khi thực hiện quy định tham gia nghĩa vụ dân quân tự vệ với phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ.
Bên cạnh đó, đại biểu này bày tỏ đồng tình với dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) nâng tuổi thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ của cả nam và nữ là với nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45; nữ từ đủ 18 đến hết 40 tuổi, nếu tình nguyện có thể kéo dài đến hết 50 với nam và 45 với nữ.
Đại biểu đồng tình với việc điều chỉnh mức tăng tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ phù hợp với thực tế cuộc sống thời bình hiện nay.
Theo Điều 11 Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), trường hợp tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình, là: Phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Không đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội nhân dân; Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân Công an đang phục vụ trong Công an nhân dân; Có chồng hoặc vợ là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; Lao động duy nhất trong hộ nghèo; phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, cơ quan, tổ chức nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận; Một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%; Người đang học tại trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; người lao động, học tập và làm việc tại nước ngoài. Công dân được miễn thực hiện nghĩa vụ này gồm: Vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; Vợ hoặc chồng, con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Quân nhân dự bị đã được xếp vào đơn vị dự bị động viên; Người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người trực tiếp nuôi dưỡng người bị mất sức lao động từ 81% trở lên; Người làm công tác cơ yếu. |