pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đồng hành cùng người lầm lỗi khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công
Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương tặng quà cho các nữ phạm nhân tại trại giam số 5, tỉnh Thanh Hóa
"Khởi nghiệp chắp cánh tương lai" là một chuỗi hoạt động Hội LHPN Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" của Chính phủ tại các trại giam trong cả nước.
Sau 2 năm tạm dừng do dịch bệnh, ngày 23/9/2022, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công An tổ chức chương trình "Khởi nghiệp chắp cánh tương lại" dành riêng cho chị em đang chấp hành án phạt tù tại trại giam số 5, tỉnh Thanh Hóa.
Phụ nữ khởi nghiệp còn gặp nhiều rào cản
Tại Việt Nam, doanh nghiệp nữ đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng với hơn ¼ doanh nghiệp trong nước do phụ nữ làm chủ và theo báo cáo của Mastercard năm 2021, Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và cũng là đại diện châu Á duy nhất nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thật sự tương xứng với khả năng và tỷ lệ phụ nữ trong dân số, vì vậy, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trở thành hoạt động được các cấp Hội tập trung triển khai trong cả nước.
"Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh không phải là việc gì quá to tát, đòi hỏi phải có nhiều tiền hoặc kỹ năng chuyên môn sâu. Bất cứ ai, già hay trẻ, nam hay nữ, thành thị hay nông thôn và cả mỗi chị em chúng ta ngồi đây trong đời chắc đều đã từng khởi nghiệp hoặc có ý tưởng khởi nghiệp. Nhưng khởi nghiệp không phải dễ dàng và luôn thành công đối với tất cả mọi người" - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định tại sự kiện "Khởi nghiệp chắp cánh tương lai".
Cụ thể, ngoài những thách thức thường gặp trên con đường khởi nghiệp như phải có ý tưởng sáng tạo, có vốn, có kế hoạch cụ thể, tinh thần mạnh mẽ để đương đầu với vô vàn biến cố khó lường, sự thay đổi về kiến thức, công nghệ…, phụ nữ khởi nghiệp còn phải vượt qua nhiều rào cản định kiến giới, trách nhiệm của phụ nữ đối với gia đình, con cái... Đặc biệt đối với những chị em đã từng trải qua thời gian chấp hành án phạt thì mọi rào cản còn nặng nề, khó khăn hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, đã có rất nhiều phụ nữ đã từng ở hoàn cảnh như các chị đã vượt lên hoàn cảnh, khởi nghiệp thành công và trở thành những nữ doanh nhân, nữ chủ doanh nghiệp thành đạt.
Để minh chứng cho những nhận định này, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương kể lại một câu chuyện ở có thật ở Trung Quốc.
Bà Ngô Thắng Minh sinh năm 1933 bị kết án tử hình và sau giảm xuống thành chung thân vì buôn bán phi pháp. Vào tù cũng là lúc bà Ngô nhận được đơn ly hôn của chồng - người đã gửi đứa con gái duy nhất của 2 vợ chồng cho chú ở quê nuôi và bỏ đi với tình nhân. Vào tù, cải tạo tốt, án chung thân được giảm thành án có thời hạn. Trong khi đợi bản án 18 năm kết thúc, bà Ngô nhận được tin con gái mình đã tự tử ở tuổi 16 vì không chịu nổi áp lực tinh thần. Với 1 người phụ nữ, có lẽ chả còn nỗi đau nào lớn hơn nữa, dường như cuộc sống chỉ còn một màu đen.
Năm 2003, bà Ngô mãn hạn tù, trở về và bắt đầu bằng việc quét dọn nhà vệ sinh công cộng với mức lương tương đương 1,2 triệu đồng/tháng. Làm việc chăm chỉ và có trách nhiệm, sau 1 năm, bà được trao danh hiệu "Người dọn dẹp xuất sắc ở Trịnh Châu", nhiều phóng viên báo đài đến phỏng vấn. Trong những cuộc gặp gỡ, bà Ngô nhắc tới mong muốn có tiền xây viện dưỡng lão dành cho người già không con cái như mình. Nghe vậy, một người đàn ông đã tiếp cận và nói với bà là ông có hàng chục mẫu đất trồng nho và có thể hợp tác cùng làm ăn. Tin tưởng, bà Ngô đã đi vay các mối quen cũ được 900.000 tệ (tương đương gần 2 tỷ đồng) đưa cho đối tác làm ăn và ông ta đã ôm tiền bỏ trốn. Không nản lòng, bà tự viết câu chuyện của mình gửi đi nhiều nơi để tìm nguồn đầu tư cho vườn nho bị Vũ lừa. Cuối năm 2006, bà được một tổ chức đầu tư 1,2 triệu tệ để khôi phục kinh doanh.
Sau hai năm, bà Ngô trả được hết nợ, còn gầy dựng vườn nho thành vườn sinh thái tham quan du lịch nổi tiếng và sau 5 năm thu được lợi nhuận tương đương hơn 21 tỷ đồng. Sau 10 năm chăm chỉ làm việc, bà trở thành triệu phú và quay lại với ý tưởng ban đầu là lập viện dưỡng lão dành cho người già và lập nhiều quỹ từ thiện, giúp đỡ trẻ em bệnh tim và trẻ em nghèo không được đến trường. Hiện nay ở tuổi 89, bà Ngô "lấn sân" sang lĩnh vực truyền thông xã hội, thường xuyên livestream và quay video Tiktok truyền cảm hứng. Trong một buổi livestream, bà Ngô có nói: "Bất cứ điều gì khủng khiếp cũng có thể là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, dẫn bạn đến một thế giới khác. Chỉ bằng cách nỗ lực vượt qua, bạn mới có thể kiên cường tiến lên phía trước, sống cuộc đời mà mình ao ước".
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đúc kết: "Các chị nghĩ người như bà Ngô có 1 không 2, nhưng thực tế rất nhiều phụ nữ sau thời gian chấp hành án đã khởi sự thành công và có cuộc sống lương thiện, ổn định. Ngay ở Thanh Hoá cũng có không ít chị em thành công mà chúng ta sẽ được chứng kiến trong sự kiện này. Cũng xin thông tin thêm với các chị, riêng năm 2021, trong cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cấp Trung ương, đã có 2 trong số 21 đề án được trao giải thuộc về 2 phụ nữ đã hoàn thành án phạt tù.
Các cấp Hội đồng hành, hỗ trợ nữ phạm nhân khởi nghiệp
Qua khảo sát tại một số trại giam và làm việc với Hội LHPN nhiều địa phương, Hội LHPN Việt Nam hiểu rằng nhiều chị em sau khi kết thúc thời hạn chấp hành án gặp khó khăn trong việc tìm việc làm ổn định. Vậy tại sao không khởi nghiệp, không khởi sự kinh doanh? Việc khởi sự kinh doanh thường bắt đầu bằng một ý tưởng. Vậy tại sao ta không tận dụng thời gian ở đây để suy nghĩ, nung nấu về ý tưởng khởi nghiệp và thực hiện kế hoạch khởi nghiệp ngay sau khi rời khỏi đây?
Đó là lý do chương trình truyền thông "Khởi nghiệp chắp cánh tương lai" được tổ chức, với mong muốn cung cấp cho các chị em một số kiến thức cơ bản về khởi nghiệp. Qua đó giúp chị em suy nghĩ, tìm ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch để một ngày không xa biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực và thành công.
Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh hoạt động giáo dục đạo đức lối sống, chú trọng việc tuyên truyền phát huy vai trò người phụ nữ trong gia đình. Bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: Các cấp Hội phụ nữ sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giúp đỡ phụ nữ nghèo, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và có nguy cơ cao, phụ nữ chấp hành xong án phạt tù sinh sống tại cơ sở. Hội LHPN Việt Nam và Cục C10, C11 sẽ tiếp tục có những hoạt động cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, tạo sinh kế hiệu quả, khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công.