pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đồng hành cùng trẻ em đối mặt với rủi ro và tác hại của mạng xã hội
Ban Phụ nữ Công an tỉnh Hải Dương tích cực tuyên truyền phòng chống tệ nạn trên không gian mạng cho học sinh trên địa bàn
Nỗi lo lắng của cha mẹ ở thời công nghệ số
Nói đến hậu quả khó lường của thời công nghệ số với trẻ em, người dân tỉnh Hải Dương vẫn nhớ rõ vụ được Công an tỉnh vào cuộc xử lý về việc 1 em học sinh lớp 8, tên Nguyễn Thị H., ở huyện Kim Thành, kết bạn làm quen và yêu đương với 1 tài khoản ảo trên Facebook. Điều đáng nói là H. chưa từng gặp người bạn này ngoài đời, cũng không biết thân nhân đối tượng ra sao. Tuy nhiên, H. đã gửi nhiều hình ảnh, video clip nhạy cảm cho đối tượng xem. Sau 1 thời gian xảy ra mâu thuẫn, đối tượng đã sử dụng hình ảnh, video nhạy cảm đó để tống tiền H. (hơn 3 triệu đồng). Cơ quan Công an tỉnh Hải Dương đã nhanh chóng xác minh, làm rõ đối tượng là 1 học sinh lớp 9 tại tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện đối tượng đang phải thực hiện thi hành án.
Vụ việc đã trôi qua gần 1 năm, nhưng đến nay H. vẫn luôn có cảm giác lo lắng, sợ hãi mỗi khi đi học hay có việc phải ra khỏi nhà: "Cháu sợ bị trả thù, dù biết bạn đó đã phải trả giá vì tống tiền, đe doạ cháu. Cháu cũng không dám kết bạn trên mạng xã hội nữa".
Là một phụ huynh luôn lo lắng con bị bắt nạt, gặp phải vấn đề nhạy cảm trên mạng xã hội, chị Đặng Thị Hải Yến, giáo viên mầm non xã Thượng Quận, thị xã Kinh Môn cho biết: "Vụ việc của cháu Nguyễn Thị H. ở huyện Kim Thành ở địa bàn không xa nhà tôi, nên chúng tôi đều biết thông tin khi công an tỉnh vào cuộc. Gia đình tôi có con gái học lớp 11, con trai nhỏ lớp 9 đều đang ở tuổi vị thành niên. Để nuôi dạy và giáo dục các con trở thành người có ích, không sa đà vào những vấn đề nhạy cảm trên mạng xã hội là vấn đề vợ chồng tôi luôn trăn trở, lo lắng mỗi ngày".
Chị Hải Yến cho biết: "Tôi nhận thấy công nghệ số hiện nay ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập của các con, có cả tích cực và tiêu cực. Với vai trò là cha mẹ, vợ chồng tôi luôn đồng hành cùng con trong những tình huống có thể xảy ra để nhắc nhở, quan tâm và kịp thời động viên các con bình tĩnh xử lý vấn đề".
Theo chị Hải Yến, vấn đề đầu tiên mà cũng rất quan trọng trong việc nuôi dạy con thời kỳ chuyển đổi số, đó chính là cha mẹ phải quan tâm, là chỗ dựa cho con, hiểu tính cách, suy nghĩ của con. Đặc biệt, cha mẹ cần có kiến thức về công nghệ, cập nhật thêm các nền tảng số trong xã hội để đồng hành cùng các con.
"Phụ huynh chúng ta không thể cấm con sử dụng điện thoại, nhưng cần khéo léo quan sát, nhắc nhở con khi sai lệch, cha mẹ phải chia sẻ và giúp đỡ các con đúng lúc. Chúng ta có thể kết bạn trên zalo, feabook với con hoặc những bạn bè thân của con, qua đó cha mẹ có thể biết con thích gì, kết bạn với ai, đăng những gì... Ngoài ra, cần nhắc nhở con sử dụng các nền tảng số một cách thông minh, không nên lạm dụng sẽ dẫn đến nghiện, không like hoặc chia sẻ những thông tin sai lệch, không đăng những gì riêng tư, những thông tin cá nhân lên mạng xã hội, hướng dẫn con cách truy cập vào các trang chính thống để giúp con bổ sung kiến thức trong học tập" - chị Hải Yến bày tỏ.
Mọi trẻ em đều không nằm ngoài sự tác động tiêu cực trên không gian mạng
Chia sẻ về lo ngại của phụ huynh và trẻ em với thời đại công nghệ số, từ những vụ việc thực tế đáng tiếc xảy ra tại địa phương, Trung tá Nguyễn Thị Linh Chi, Trưởng ban Phụ nữ Công an tỉnh Hải Dương, cho biết: "Trước ảnh hưởng của thời đại công nghệ số, trẻ em tỉnh Hải Dương cũng như trẻ em các tỉnh, thành khác cũng không nằm ngoài sự tác động tiêu cực trên không gian mạng. Bên cạnh mặt tích cực, trẻ em phải đối mặt với nhiều rủi ro và tác hại do mạng xã hội đem lại như tình trạng nghiện game và nghiện mạng xã hội. Trẻ em có thể dễ dàng mất kiểm soát và dành quá nhiều thời gian cho chúng, trực tiếp ảnh hưởng đến sự tương tác ngoài đời thực và hoạt động ngoại khóa khác, gây ra các vấn đề về sức khỏe và tinh thần.
Hơn nữa, trẻ em cũng đối mặt với nguy cơ tệ nạn bắt nạn trên mạng như trường hợp cháu Nguyễn Thị H. ở huyện Kim Thành đã nhắc đến ở trên. Các em đều ở độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", chưa được trang bị kiến thức sống đầy đủ và một tâm lý vững vàng, nên rất dễ trở thành nạn nhân của các trò như bêu xấu, phao tin đồn thất thiệt, chụp ảnh lén,…. rồi dẫn đến những hệ lụy đau lòng như bị công kích tập thể, ảnh hưởng tâm lý, tự tử….
Các em có thể trở thành mục tiêu của tội phạm mạng xã hội. Vấn đề của việc xâm nhập tài khoản, lừa đảo trực tuyến và xâm phạm quyền riêng tư ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, trẻ em trong thời đại công nghệ số cần được giáo dục về an toàn trực tuyến và được hỗ trợ để biết cách bảo vệ bản thân trước các nguy cơ này".
Tuyên truyền phòng chống thủ đoạn tội phạm mạng cho trẻ em
Để giúp giảm thiểu nguy cơ, tác hại của thời đại công nghệ số đến trẻ em, thời gian qua, Ban Thanh niên, Ban Phụ nữ Công an tỉnh Hải Dương đã thành lập "Tổ tuyên truyền phổ biến pháp luật". Đây được công nhận là mô hình "dân vận khéo" của Công an tỉnh và hoạt động rất hiệu quả.
Trung tá Nguyễn Thị Linh Chi chia sẻ: "Hơn 1 năm thành lập "Tổ tuyên truyền phổ biến pháp luật", chúng tôi đã tuyên truyền trực tiếp 64 buổi đến hơn 12.000 học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn tại các buổi sinh hoạt chào cờ, chuyên đề nói chuyện, trong đó có nội dung nhận diện và đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng, cách sử dụng mạng xã hội an toàn. Thành viên Tổ tuyên truyền là những cán bộ chỉ huy có kinh nghiệm và kiến thức về An ninh mạng, đấu tranh phòng chống tội phạm đã truyền tải sinh động, cụ thể, trực quan những nguy cơ, tác hại và hậu quả của việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách. Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội, fanpage chúng tôi thiết lập những tin bài, những thông điệp trong cách sử dụng mạng xã hội, tuyên truyền phòng chống thủ đoạn tội phạm mạng hiện nay để trẻ hiểu và phòng tránh".
Gia đình và xã hội đóng vai trò quan trọng bảo vệ trẻ em
Trưởng ban Phụ nữ Công an tỉnh Hải Dương khuyến cáo: "Để bảo vệ trẻ em khỏi tác động tiêu cực của thời đại công nghệ số, gia đình và xã hội cần đóng vai trò quan trọng. Trước hết, gia đình cần tạo ra một môi trường an toàn và đảm bảo hoạt động trên mạng của con em nằm trong tầm kiểm soát. Bố mẹ nên theo dõi hoạt động trực tuyến của con cái và thiết lập các quy định về thời gian sử dụng công nghệ. Đồng thời, giáo dục trẻ em về an toàn trực tuyến và khuyến khích các em phát triển sở thích và kỹ năng ngoại khóa khác ngoài công nghệ.
Ngoài ra, trẻ em cần được hướng dẫn về việc bảo vệ thông tin cá nhân, tránh chia sẻ thông tin quá riêng tư và biết cách phân biệt thông tin đáng tin cậy và thông tin giả mạo trên internet. Cha mẹ và nhà trường cũng cần khuyến khích trẻ em tham gia vào các hoạt động ngoại khóa khác như thể thao, nghệ thuật, và giao tiếp xã hội trực tiếp để tạo sự cân bằng và đa dạng trong cuộc sống".