Động lực cho bước tiến nữ quyền ở Đài Loan

21/05/2016 - 10:46
Ngoài tân lãnh đạo Thái Anh Văn, bộ máy chính quyền tại Đài Loan (Trung Quốc) còn có sự góp mặt của nhiều tên tuổi nữ. Sau cuộc bầu cử tháng 1/2016, tỷ lệ nữ trong Quốc hội Đài Loan đạt mức kỷ lục: 38%, cao hơn mức trung bình của thế giới (22%)
thaia-nh-van1.jpg
Nội các với tỷ lệ nữ chỉ chiếm 10% của bà Thái Anh Văn vì thiếu nguồn

Giống như bà Thái Anh Văn, nhiều nữ chính trị gia của Đài Loan, trong đó có Thị trưởng thành phố Cao Hùng Chen Chu, Chủ tịch Quốc Dân đảng Hung Hsiu-chu, không ai xuất thân từ một gia đình hoạt động chính trị hay có ảnh hưởng trong xã hội. Thay vào đó, họ thăng tiến bằng năng lực của mình.

Phụ nữ cũng tỏa sáng trong Viện lập pháp (Quốc hội) Đài Loan. Sau cuộc bầu cử tháng 1/2016, tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội của vùng lãnh thổ này đạt mức kỷ lục là 38%, cao hơn so với mức trung bình của thế giới (22%) và nhiều quốc gia khác như Anh, Đức, Mỹ.

Nhưng tại sao trong nội các mới gồm 40 thành viên của bà Thái chỉ có 4 thành viên nữ? Người phát ngôn của nội các lý giải rằng, đảng Dân tiến Đài Loan của bà Thái đang thiếu hụt những phụ nữ có kinh nghiệm chính trường để thay thế những người đã nghỉ. Thực tế, nhiều phụ nữ đã được đề nghị để tham gia nội các nhưng họ từ chối.

Một trong số đó là bà Ho Mei-Yueh, 65 tuổi, cựu Bộ trưởng Kinh tế. Bà Ho cho biết, bà đã cống hiến 33 năm cuộc đời cho chính phủ. Công việc rồi gia đình đã đẩy những nhu cầu của bản thân bà xuống hàng thứ yếu. Vì thế giờ đây bà chỉ muốn dành thời gian chăm sóc bản thân. "Tôi vừa phải làm việc vừa chăm sóc con cái. Người duy nhất tôi có thể bỏ qua chính là bản thân mình", bà Ho cho biết.

thaia-nh-van3.jpg
Cựu Bộ trưởng Kinh tế Ho Mei-Yueh

Có một thực tế khó phủ nhận, tỷ lệ tương đối cao của phụ nữ tham chính ở Đài Loan hiện nay có được là nhờ áp dụng hạn ngạch. Theo quy định, phụ nữ phải chiếm một nửa số ghế ở vị trí chủ chốt trong Quốc hội và ¼ số ghế đại biểu tại các hội đồng địa phương. “Trong Hiến pháp của Đài Loan nêu rõ cần có vị trí lãnh đạo dành cho phụ nữ. Có lẽ chỉ những nước Bắc Âu mới áp dụng chính sách tương tự”, Joyce Gelb, một giáo sư ở New York (Mỹ), người chuyên nghiên cứu về sự tham gia của phụ nữ trong chính trị ở Đài Loan, cho biết.

 Trong những năm qua, số lượng phụ nữ tham gia cơ quan lập pháp của Đài Loan không ngừng tăng khiến một số người cho rằng không cần tiếp tục áp dụng hạn ngạch. Song, thực tế cho thấy ở những vị trí tranh cử như thị trưởng thành phố nếu không có hạn ngạch thì tỷ lệ phụ nữ được bầu chỉ chiếm khoảng 15%. "Nếu là cuộc đua 1 đấu 1 thì nam giới vẫn có xu hướng chiếm ưu thế hơn bởi kinh nghiệm và quan hệ xã hội. Năng lực  cá nhân vẫn chưa đủ để giúp phụ nữ tham chính hay bước chân vào nội các", Chen Man - li, một nghị sĩ, Giám đốc liên minh các nhóm hoạt động vì phụ nữ tại Đài Loan, cho biết.

phunu-dai-loan.jpg
Theo các học giả, vẫn còn nhiều thách thức với phụ nữ Đài Loan để tham chính
Nathan Batto, một học giả của Viện Academia Sinica, có trụ sở tại Đài Bắc chuyên nghiên cứu về sự tham gia của phụ nữ trong chính trị, cho rằng, các đảng tại Đài Loan cần quan tâm hơn việc thực hiện hạn ngạch để tăng cường phụ nữ tham chính. Vẫn còn nhiều thách thức trong việc thay đổi quan niệm của xã hội về phụ nữ tham chính và một trong những thách thức đó là cân bằng giữa công việc và cuộc sống. “Phụ nữ khi tham gia chính trị thường cần phải có sự ủng hộ, chia sẻ của gia đình và người bạn đời của mình. Trong khi đó, với nam chính trị gia, sự ủng hộ của bạn đời dường như là mặc nhiên”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm