Dòng tiền chưa thực sự chảy vào chứng khoán dù lãi suất tiết kiệm liên tục giảm mạnh?

Minh Anh
22/12/2023 - 18:08
Dòng tiền chưa thực sự chảy vào chứng khoán dù lãi suất tiết kiệm liên tục giảm mạnh?

Dòng tiền chưa thực sự chảy vào chứng khoán dù lãi suất tiết kiệm liên tục giảm mạnh? Ảnh minh họa

Lãi suất huy động liên tiếp phá vỡ mọi mức "đáy" lịch sử. Song, điều này không khiến kênh gửi tiền tiết kiệm ngân hàng trở nên yếu thế, ngược lại, trước động thái này, chứng khoán được đánh giá là lựa chọn hấp dẫn cho giới đầu tư thì lại ghi nhận dòng tiền giảm mạnh.

Lãi suất tiết kiệm liên tục tạo "đáy" nhưng tiền gửi vẫn cao kỷ lục

Năm 2023 chứng kiến một năm lãi suất tiết kiệm liên tiếp phá vỡ mọi mức đáy trong lịch sử từ trước đến nay, thậm chí, con số đã chạm xuống mức 2%/năm.

Điển hình như HDBank, SCB, Kienlongbank, Eximbank, Techcombank... là những nhà băng đã giảm mạnh lãi suất trong tháng cuối năm nay. Trong đó, một số ngân hàng đã giảm tới 2 lần chỉ trong tháng 12.

Dòng tiền chưa thực sự chảy vào chứng khoán dù lãi suất tiết kiệm liên tục giảm mạnh?- Ảnh 1.

Lãi suất tiết kiệm liên tục phá vỡ mọi đáy lịch sử (Ảnh: Internet)

Theo các chuyên gia kinh tế, loạt nhà băng hạ lãi suất tiền gửi là hiện tượng trái ngược với xu hướng các năm trước. Bởi, vào thời điểm cuối năm, các ngân hàng thường phải tăng cường huy động vốn để có tiền cho vay vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Dự báo cho mức lãi suất, Chứng khoán VNDirect cho biết, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 5-5,2%/năm vào cuối 2023 và duy trì ở vùng thấp tới năm sau.

Mặt bằng chung lãi suất tại các kỳ hạn hiện nay đang được duy trì trong khoảng từ 2% - 5,8%/năm, mức cao nhất là 6%/năm, nhưng chỉ "điểm xuyết" tại một số ngân hàng trong kỳ hạn 24 tháng.

Đáng nói, lượng tiền gửi vẫn đạt mức kỷ lục. Theo Ngân hàng Nhà nước, 9 tháng đầu năm nay, tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế đạt xấp xỉ 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, tăng 5,9% so với cuối năm 2022.

Diễn biến này đi ngược với thời điểm cuối năm trước, khi lãi suất giảm, lượng tiền gửi cũng giảm theo trước các kênh đầu tư khác hấp dẫn và khả năng sinh lời cao hơn như: chứng khoán, bất động sản, vàng...

Chứng khoán không còn là kênh đầu tư hấp dẫn

Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, loay hoay tìm kiếm kênh đầu tư, nhiều người vẫn chọn gửi tiết kiệm dù lãi suất giảm sâu.

Chị Đ.H. Thu (37 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) là một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, chia sẻ: "Với khoản tiền nhàn rỗi là 1 tỷ, nhưng tôi đã dừng đầu tư vào chứng khoán vì tại kênh này vẫn đang lỗ và tiềm ẩn rủi ro. Bất động sản thì "đóng băng" nên tôi quyết định gửi tiết kiệm dù biết lãi suất không cao, nhưng an toàn".

Cùng lúc đó, chị L.N.Anh (29 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) đã rút tiền về và gửi tiết kiệm tại ngân hàng, chị cho biết, sau khi thua lỗ từ đợt cuối tháng 9, chị vẫn kiên nhẫn ở lại thị trường để chờ cơ hội hồi vốn, nhưng đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu khả quan, nên chị đành chấp nhận lỗ, rút tiền để gửi tiết kiệm.

Vốn là kênh đầu tư hấp dẫn, chứng khoán được kỳ vọng sẽ đón lượng tiền lớn chảy vào trong năm nay khi lãi suất giảm mạnh, song, ngược lại với lượng tiền gửi tại nhà băng, dòng tiền tại thị trường vẫn giảm, chỉ bằng một nửa so với thời điểm 3 tháng trước ở mức 20 nghìn tỷ đồng, kể từ thời điểm lao dốc vào tháng 9.

Thanh khoản tiếp tục tạo "đáy" trong 2 tháng qua, ngưỡng thanh khoản bình quân hiện tại đã tụt về quanh ngưỡng 13 nghìn tỷ đồng, thậm chí, trong các phiên gần đây, dòng tiền chỉ đạt từ 8,5 – 9,7 nghìn tỷ đồng/phiên. Chỉ số liên tục "rung lắc" trong khoảng 1.000 - 1.100 điểm, thị trường vẫn chưa ổn định. Điều này, phần nào làm thúc đẩy tâm lý e ngại của nhà đầu tư đối với kênh chứng khoán.

Dòng tiền chưa thực sự chảy vào chứng khoán dù lãi suất tiết kiệm liên tục giảm mạnh?- Ảnh 2.

Sau giai đoạn phi mạnh vào giữa năm, cuối tháng 9, thị trường liên tục biến động cho tới nay (Ảnh: SSI iBoard)

Trước hiện tượng này, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn và nhiều rủi ro.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia tài chính đánh giá, nhu cầu gửi tiết kiệm cư dân và doanh nghiệp vẫn luôn có, bất chấp các lần điều chỉnh giảm.

Nếu dòng tiền vào thị trường chứng khoán có tăng lại, điều này không có nghĩa là từ tiền gửi tiết kiệm tại các nhà băng sẽ chảy sang, đây là quan điểm của chuyên gia tại Chứng khoán Mirae Asset.

Bởi, lãi suất có giảm nhưng khi gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất đang trong khoảng từ 5,5% - 6,5%/năm, so với mức lạm phát 9 tháng là khoảng 3,1% thì vẫn có mức lãi suất thực dương. Như vậy, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, nhưng vẫn cao hơn lạm phát nên nhà đầu tư vẫn hưởng lợi.

Có thể nói, trong lúc thị trường chứng khoán còn bấp bênh, khó sinh lời, kèm theo yếu tố toàn cảnh từ nền kinh tế ảm đạm, nên dù lãi suất chạm "đáy", gửi tiết kiệm vẫn là sự lựa chọn hấp dẫn và an toàn đối với giới đầu tư.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm