pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dự báo thị trường cần tới 600.000 tấn thịt lợn dịp cận Tết
Sáng nay 17/12, Bộ Công Thương có thông tin tổng hợp về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá cuối năm. Từ tháng 6, giá thịt lợn có xu hướng tăng dần và tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay - tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 vừa qua.
Giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao; cụ thể lợn hơi hiện ở mức 80.000 - 90.000đ/kg, tăng 10.000đ/kg so với tuần trước.
Giá thịt lợn thành phẩm hiện ở mức 160.000 - 180.000đ/kg, tăng 15.000 - 20.000đ/kg so với tuần đầu tháng 12/2019.
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, sẽ tăng mạnh nhất trong tháng 1/2020.
Dự báo nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này những tháng cuối năm giảm nhẹ khoảng 5-10% so với năm 2018 do giá quá đắt nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 300.000 - 320.000 tấn/tháng.
Tuy vậy, nhu cầu mặt hàng thịt lợn trong tháng 12 và tháng 1/2020 vẫn khoảng 600.000 tấn.
Để bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, Bộ Công Thương cho biết đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, đưa thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối, trong đó tập trung, chú trọng vào kết nối mặt hàng thịt lợn tại TPHCM, Hà Nội, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Hà Nam…
Theo Tổng cục thống kê, đàn lợn cả nước tháng 11/2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.
Để kiểm soát thị trường thịt lợn, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch.
Theo báo cáo, hầu hết các địa phương đều đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó tập trung nguồn lực vào việc bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.
Cụ thể, TPHCM đã huy động các doanh nghiệp kinh doanh chủ lực tham gia chương trình bình ổn thị trường, thực hiện dự trữ mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm thịt khác. Vissan dự trữ 3.600 tấn thịt lợn trong 45 ngày trước, trong và sau Tết. Tổng nguồn cung mặt hàng thịt lợn bình ổn thị trường của TPHCM là 4.091 tấn/tháng thường và 5.148 tấn/tháng Tết, chiếm 21% thị phần của toàn thành phố.
Còn tại Hà Nội, nguồn cung nội tại của thành phố đối với mặt hàng thịt lợn, thịt gà đáp ứng đủ nhu cầu thị trường Hà Nội trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, khi có dịch bệnh, nhu cầu đa dạng và tăng trong dịp Tết nên nguồn cung có sự thiếu hụt.
Đối với mặt hàng thịt lợn, nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội trong dịp Tết khoảng 22.300 tấn hơi/tháng; tăng khoảng 18% - 20% so với các tháng bình thường.
Về nguồn cung, ước tính tổng đàn lợn trên địa bàn đến hết tháng 10/2019 khoảng 1.180 nghìn con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng là 18.800 tấn hơi (tăng 4.600 tấn so với tháng 9). Như vậy, so với nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết, sản lượng thịt lợn còn thiếu khoảng 3.500 tấn hơi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%. Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.