Đủ cách tiết kiệm điện, vẫn lo lắng vì dự báo hóa đơn điện tháng 6 tăng cao

Anh Quân
25/06/2020 - 17:30
Đủ cách tiết kiệm điện, vẫn lo lắng vì dự báo hóa đơn điện tháng 6 tăng cao
EVN dự báo hóa đơn điện tháng 6 sẽ tăng cao. Thông tin này khiến không ít người tiêu dùng lo lắng chờ đến kỳ thông báo tiền điện tiếp theo của EVN.

Theo số liệu thống kê mới đến ngày 20/6/2020 cho thấy, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5/2020 (gấp 2,33 lần so với tháng 5/2020).

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC), khoảng 14h ngày 23/6, công suất tiêu thụ hệ thống điện toàn quốc đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 38.300 MW.

Không chỉ ở quy mô cả nước, công suất tiêu thụ hệ thống điện của miền Bắc và Thành phố Hà Nội cũng đã lên các mức kỷ lục mới. Công suất tiêu thụ hệ thống điện của miền Bắc là 19.500 MW và của TP. Hà Nội là 4.435 MW.

Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó.

Đủ cách tiết kiệm điện, vẫn lo lắng vì dự báo hóa đơn điện tháng 6 tăng cao - Ảnh 1.

EVN dự báo hóa đơn điện tháng 6 sẽ tăng cao. Ảnh minh họa

EVN cho biết: Dự kiến kỳ hoá đơn tháng 6/2020 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5/2020.

Trước thông tin hóa đơn điện tháng 6 sẽ tăng cao, không ít người tiêu dùng lo lắng. Bà Trần Thị Phương (khu Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ, hóa đơn tiền điện tháng 5 của gia đình bà hơn 1 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với tháng 4/2020. Nếu trong tháng 6, lượng tiêu thụ điện tiếp tục tăng hơn nữa, thì đây thực sự là gánh nặng so với mức lương hưu của hai ông bà. "Chắc phải tìm cách tiết kiệm điện triệt để hơn nữa", bà Phương cho biết.

Chị Nguyễn Thơ (phố Đội Cấn, Hà Nội) ở nhà trông con nhỏ và bán hàng online. Chị cho biết, ban ngày, có hai mẹ con ở nhà, dù nắng nóng nhưng vẫn cố gắng tiết kiệm điện tới mức tối đa. Điều hòa nhiệt độ chỉ sử dụng khoảng 2 tiếng buổi trưa và từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Hóa đơn tiền điện tháng 5 của nhà chị Thơ là 1,4 triệu đồng. Đọc báo, thấy thông tin mức tiêu thụ điện của nhiều gia đình có thể tăng trên 300% so với tháng 5 vừa rồi, chị Thơ khá hoang mang. Nhưng có em bé, muốn tiết kiệm hơn cũng khó lắm, chị Thơ thở dài.

Quê ở Hà Nam, lên Hà Nội thuê nhà để bán giò chả, chị Lê Thị Quỳnh (trọ tại quận Ba Đình, Hà Nội) cũng bày tỏ: Nhà thuê tính tiền điện theo giá kinh doanh, lên tới 4.000 đồng/số, nên chỉ dám dùng quạt điện nhưng trong tháng 5 vừa rồi, chị phải trả 600.000 đồng tiền điện. Trời nắng nóng, hàng hóa bán chậm. Nếu điện tháng 6 tiếp tục tăng thì lãi không đủ trang trải các chi phí tiền nhà, tiền điện nước…

Dự báo, cuối tháng 6 và sang tháng 7 còn có nhiều đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng. Đây cũng là thời điểm học sinh bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè, nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Dù đã tìm đủ cách tiết kiệm, nhưng những dòng thông báo hóa đơn tiền điện vẫn luôn là nỗi lo của nhiều gia đình trong thời điểm này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm