Dự kiến Lễ phát động "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới" ngày 10/11

PVH
18/09/2023 - 16:26
Dự kiến Lễ phát động "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới" ngày 10/11

Sân khấu hóa hoạt động truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Ảnh minh họa

Chiều 18/9, Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH, tổ chức Hội thảo tham vấn thông điệp truyền thông về Bình đẳng giới năm 2023, tại Hà Nội.

Ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: Truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Đặc biệt, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị có nhiều hoạt động truyền thông về bình đẳng giới. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong cộng đồng.

Ông Lê Khánh Lương cho biết: Hằng năm, "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới" được tổ chức từ 15/11 đến 15/12.

Trong năm 2023, Tháng hành động có chủ đề (dự kiến) là: "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới". Dự kiến, Lễ phát động Tháng hành động được tổ chức ngày 10/11/2023.

Theo Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Chủ đề năm nay được đưa ra trong bối cảnh năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức có những tác động không nhỏ tới đời sống của người dân, trong đó có phụ nữ, trẻ em. Chủ đề tháng hành động tập trung vào nội dung đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em; từ đó tiến tới xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

Dự kiến Lễ phát động "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới" ngày 10/11 - Ảnh 1.

Hoạt động tuyên truyền phòng chống bạo lực tại các địa phương. Ảnh minh họa

Tại hội thảo, các đại biểu từ TƯ Hội LHPN Việt Nam, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đại diện Bộ Công an; TƯ Hội Nông dân Việt Nam… bày tỏ đồng tình với các mẫu ấn phẩm, bộ sản phẩm truyền thông; đây là những mẫu thiết kế để các cơ quan, đơn vị, tổ chức áp dụng, như gắn logo, thông điệp lên xe buýt, taxi; baner - pano trên đường phố; in thông điệp trên áo phông, mũ… tạo sự tác động trực tiếp tới người xem.

Các đại biểu cũng nêu ý kiến về chủ đề Tháng hành động và các thông điệp truyền thông cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu; mỗi thông điệp tập trung vào đối tượng đích, nhóm đối tượng cụ thể để tăng hiệu quả truyền thông, dễ dàng lan tỏa trong cộng đồng.

Các thông điệp truyền thông:

- Phụ nữ và nam giới bình đẳng trong tham gia và đưa ra quyết định đối với mọi công việc trong gia đình và xã hội.

- Nam giới và nữ giới đều được bình đẳng về quyền và cơ hội.

- Không khoan nhượng với các hành vi ngược đãi phụ nữ và trẻ em gái bằng mọi hình thức.

- Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

- Chấm dứt bạo lực, vun đắp và lan toả yêu thương.

- Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

- Hãy tố cáo mọi hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em bằng mọi cách.

- Hãy lên tiếng khi bạn bị bạo lực để nhận được sự giúp đỡ của mọi người.

- Hãy hành động vì cộng đồng bình đẳng, văn minh, an toàn và không bạo lực, không xâm hại tình dục.

- Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị xâm hại.

- Hãy hành động bằng mọi cách để chấm dứt xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.

- Hãy lên án mọi hành vi bạo lực. Người bị bạo lực không có lỗi.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm