pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn động vật hoang dã"
VQG Cát Tiên có nhiều loài động vật quý hiếm như: vượn đen má vàng, voọc bạc, voọc chà vá chân đen, cu li nhỏ… Ảnh: Thế Anh
Tọa đàm "Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn động vật hoang dã" do Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên sẽ phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) dự kiến thực hiện vào ngày 27/9 tại VQG Cát Tiên.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, mục tiêu của sự kiện là góp phần thúc đẩy sự hợp tác liên ngành giữa lực lượng bảo vệ rừng, giới truyền thông, đại diện các công ty du lịch, lữ hành, vận tải du lịch… trong việc nâng cao nhận thức bảo tồn động vật hoang dã, giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã trái phép. 100% doanh nghiệp, công ty tham gia tọa đàm cam kết "Nói không với mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã".
Ông Trần Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ (VQG Cát Tiên) chia sẻ: "Buổi tọa đàm sẽ truyền tải đến công chúng thông điệp mọi người hãy cùng chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ VQG Cát Tiên nói riêng, bằng các hành động cụ thể như không tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc bất hợp pháp từ rừng".
VQG Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn 5 huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Cát Tiên, Bảo Lâm (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước), cách TP.HCM 150 km về phía Bắc.
VQG Cát Tiên là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Vườn là "ngôi nhà" của 300 loài chim chiếm gần 50% số loài tại Việt Nam, hơn 450 loài bướm, chiếm hơn 50% số loài tại Việt Nam.
VQG Cát Tiên cũng được UNESCO công nhận là "Khu dự trữ sinh quyển thế giới". Ngày 4/8/2005, Ban Thư ký Công ước Ramsar đã công nhận Hệ đất ngập nước Bàu Sấu (VQG Cát Tiên) là Khu Ramsar thứ 1.499 của thế giới và thứ hai của Việt Nam với tổng diện tích là 13.759 ha (trong đó có 5.360 ha đất ngập nước theo mùa, 151ha đất ngập nước quanh năm).