Du lịch Hà Nội "hồi sinh" bằng những tour mới, độc đáo sau đại dịch

Mai Vàng
28/03/2022 - 16:02
Du lịch Hà Nội "hồi sinh" bằng những tour mới, độc đáo sau đại dịch

"Bác Cổ - Mùa hoa gạo". Ảnh: An My

Nhiều đơn vị lữ hành đã kích hoạt các tour du lịch đặc biệt để tạo sự mới mẻ cho du khách trong nước và quốc tế tham quan Hà Nội.

Những ngày này, các điểm vui chơi, giải trí, di tích, danh thắng… trên địa bàn Hà Nội bắt đầu sôi động sau khi lĩnh vực du lịch được hoạt động trở lại từ ngày 15/3. 

Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 2,8 triệu lượt, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021, cơ bản là khách nội địa. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong năm 2022, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ từ 9 - 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84 - 35,84 nghìn tỷ đồng; phấn đấu năm 2023, thành phố đón và phục vụ từ 12 - 14 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 - 3,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 42,78 - 55,78 nghìn tỷ đồng.

"Bác Cổ - Mùa hoa gạo"

Tour "Bác Cổ - Mùa hoa gạo" là một ý tưởng sản phẩm du lịch mới của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Công ty Hanoitourist phối hợp xây dựng, với những sắp đặt, trang trí đơn giản nhưng rất gần gũi, thân quen.

Sản phẩm du lịch mới này được xây dựng với mục đích để người dân và du khách hiểu thêm nét đẹp làng quê Việt Nam giữa lòng Thủ đô, từ đó thêm yêu văn hóa truyền thống.

Là tour du lịch thời điểm bởi hoa gạo chỉ nở rực trong khoảng 2 - 3 tuần, vì vậy Ban Tổ chức bắt đầu nhận phục vụ khách tham gia tour "Bác Cổ - Mùa hoa gạo" từ ngày 15/3 với giá tour giảm 50% trong tháng 3/2022.

Tour du lịch đêm tại Đường Lâm

Ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) - cho biết Đường Lâm đang chuẩn bị các chương trình du lịch di sản gắn với gia tăng trải nghiệm; đặc biệt sẽ xây dựng tour du lịch đêm và sáng sớm đưa du khách khám phá nghề truyền thống và cuộc sống làng quê.

Vượt qua đại dịch, du lịch Hà Nội hồi sinh bằng những tour mới, độc đáo - Ảnh 2.

Tour du lịch Đường Lâm. Ảnh minh hoạ: Internet

Chợ phiên Mường-Dao Ba Vì

Để thu hút khách du lịch trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đưa nhiều sản phẩm du lịch mới vào khai thác.

Cụ thể, từ nay đến ngày 16/4, huyện Ba Vì đưa nhiều sản phẩm đặc trưng vào phục vụ du khách như sản phẩm chăm sóc sức khỏe gồm "Dịch vụ tắm thuốc thảo dược" và "Chẩn trị và chăm sóc sức khỏe Nam y - Đông y" tại Khu du lịch Ao Vua; Lễ hội "Chợ phiên Mường-Dao Ba Vì" trải nghiệm văn hóa Mường-Dao Ba Vì (tục vác nước đầu xuân của già làng Mường, văn hóa ẩm thực dân tộc, văn hóa chiêng Mường, tìm hiểu Bộ lịch cổ đại người Mường Việt Nam…); các hoạt động trải nghiệm, tham gia nông nghiệp (tham quan và trải nghiệm vườn chè, vườn thuốc nam dân tộc Dao) tại Khu du lịch Bản Coốc, xã Minh Quang.

Thời gian diễn ra các hoạt động trải nghiệm văn hóa Mường-Dao vào tuần đầu tháng 4 hằng năm và duy trì một số hoạt động chợ phiên vào thứ Bảy, Chủ Nhật.

Vượt qua đại dịch, du lịch Hà Nội hồi sinh bằng những tour mới, độc đáo - Ảnh 3.

Khai mạc Lễ hội Du lịch Ba Vì năm 2021. Ảnh: TTXVN

Phiên chợ đêm Bát Tràng

Tại huyện Gia Lâm, các tour du lịch đến làng nghề gốm Bát Tràng đang được đầu tư và đổi mới. Ông Phạm Huy Khôi - Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết, địa phương đang nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm lưu niệm, quà tặng phục vụ du khách; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh phấn đấu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; xây dựng các con đường hoa, tranh tường bích họa... Xã Bát Tràng đang có kế hoạch tổ chức phiên chợ đêm để thu hút du khách, song song với khởi động lại hoạt động du lịch trong năm 2022.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm