9X tình nguyện đi hỗ trợ ở khu cách ly

Hải Yến
10/04/2020 - 08:13
9X tình nguyện đi hỗ trợ ở khu cách ly

Phạm Thị Huệ trong thời gian 15 ngày hỗ trợ phiên dịch tiếng Hàn ở khu cách ly

Khi biết Phạm Thị Huệ (SN 1990, ở Hải Hậu, Nam Định) tham gia làm tình nguyện viên ở khu vực cách ly, gia đình và bạn bè thân thiết của cô rất lo. Bố của Huệ ở quê nhà gọi điện cho cô liên tục. 11h đêm nào cũng vậy, ông đều gọi điện cho con gái hỏi han công việc và cuối cùng là kêu gọi: “Về nhà đi con, cả nhà lo lắm!”.

Trải nghiệm "có một không hai"

Với tâm niệm "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai", cô gái trẻ Phạm Thị Huệ đã xung phong ra "chiến trường", làm phiên dịch viên trong khu cách ly giữa mùa dịch Covid-19.

Vừa kết thúc 15 ngày tham gia hỗ trợ phiên dịch tiếng Hàn cho người ngoại quốc trong khu cách ly ở Bệnh viện Công an TP Hà Nội cơ sở Hà Đông, Phạm Thị Huệ cho biết, quãng thời gian này không dài, ngắn không ngắn nhưng đủ để cô có những trải nghiệm "có một không hai", vừa mới mẻ, lại có phần liều lĩnh.

Huệ vốn là một hướng dẫn viên du lịch. Cô xuất hiện tại khu cách ly này sau khi đọc được thông tin của Sở Ngoại vụ Hà Nội kêu gọi những hướng dẫn viên du lịch tình nguyện vào khu cách ly để phiên dịch cho người nước ngoài. Không chần chừ, Huệ lập tức đăng kí tham gia và chuyển vào đây ở để hỗ trợ cho các nhân viên y tế trong việc giao tiếp với người nước ngoài.

Dù người thân lo lắng, 9X vẫn tình nguyện đi hỗ trợ ở khu cách ly - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

15 ngày đó, công việc của Huệ là hỗ trợ người nước ngoài cách ly đi nhận phòng và sau đấy cùng đội ngũ y tế đi đo thân nhiệt người cách ly 2 lần/ngày vào mỗi sáng và chiều. Theo cô chia sẻ, công việc này không cố định thời gian mà tùy vào nhu cầu và các đợt nhập cách ly, chủ yếu là giúp người nước ngoài hiểu rõ hơn về tình huống họ đang gặp phải, các quy định của khu cách ly và giúp đỡ các bạn ngoại quốc trong quá trình cách ly.

Nhiều khi vượt qua cả vai trò hỗ trợ phiên dịch, chính Huệ còn đóng vai trò làm người tâm sự, chia sẻ giúp những người bạn nước ngoài hiểu được rằng, họ đang được an toàn và mọi chuyện sẽ ổn.

Huệ kể, đa số người Hàn Quốc đến Việt Nam là để làm việc chứ không phải đi du lịch. Vì thế, phải cách ly trong khu vực đến 14 ngày quả là một điều khó tưởng với họ. "Ban đầu họ khá bức bối nhưng sau khi hiểu được chính sách bảo vệ sức khoẻ của Chính phủ Việt Nam, họ đều vui vẻ hợp tác" - Phạm Thị Huệ chia sẻ.

Có một trường hợp mà Huệ nhớ mãi, đó là một nam công dân người Hàn Quốc. Khi biết mình phải ở trong khu cách ly 14 ngày, anh rất hoang mang, lo sợ. Một phần, anh lo công việc bị đình trệ, phần khác, khi nghe thông tin mình thuộc diện phải cách ly, anh rất lo lắng vì mới cắt amidan nên sợ hệ miễn dịch của mình đang kém, anh có thể sẽ bị nhiễm bệnh. Khi mới vào nơi cách ly, gia đình của anh cũng sốt ruột nên đã gọi điện liên tục. Sau khi được Huệ giúp đỡ, chia sẻ, cùng các y bác sĩ tận tình thăm khám, người đàn ông này đã bình tĩnh lại.

"Có những người mới vào rất hoang mang vì không biết cách ly ở đây như thế nào, lo lắng rằng mình không được tự do nữa. Sau một thời gian ở đây thì họ đều hiểu vấn đề và nghiêm chỉnh chấp hành" - Huệ kể.

Những ngày làm tình nguyện viên ở khu cách ly, Huệ vẫn nhớ có một em bé 4 tuổi có mẹ là người Việt, cha người Hàn Quốc. Sau khi chuyến bay của em đáp xuống sân bay Nội Bài, em bé cùng mẹ được lực lượng chức năng đưa vào khu cách ly. Vì là người cách ly nhỏ tuổi nhất nên em bé luôn nhận được sự quan tâm của các nhân viên y tế, các cán bộ trong khu cách ly. Tiếng cười trẻ thơ của em đã phần nào xua tan đi những nỗi âu lo của những người cùng cách ly nơi đây.

Phiên dịch viên kiêm "shipper"

Huệ cho biết, đồ ăn ở khu cách ly rất ngon và đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, thỉnh thoảng những người bạn Hàn Quốc cách ly ở đây vẫn cảm thấy nhớ những món ăn Hàn. Họ lại đặt hàng qua mạng và gọi ship đến tận nơi. Tuy nhiên, khi nghe nói là giao đồ ăn vào khu cách ly thì các shipper đều từ chối vì sợ bị lây nhiễm. Vậy là, Huệ lại phải giúp đỡ những người bạn Hàn Quốc bằng cách mách họ đặt địa chỉ nhận hàng ở gần khu vực cách ly, sau đó Huệ sẽ chạy ra ngoài để lấy đồ ăn giúp họ.

Tương tự, những người bạn Hàn Quốc khi ở trong khu cách ly vẫn tiếp tục làm các công việc của mình qua Internet. Vì thế, thỉnh thoảng, Huệ lại giúp họ lấy tài liệu, vật dụng cá nhân mà đồng nghiệp hay người thân gửi vào đây. Đôi khi, Huệ giúp họ lấy hộ chiếu để gia hạn visa. Sự nhiệt tình của cô gái nhỏ đã phần nào khiến những người bạn ngoại quốc thấy yên tâm trong 14 ngày cách ly.

Bóng hồng tình nguyện đi... cách ly - Ảnh 2.

Bóng hồng tình nguyện đi... cách ly - Ảnh 3.

Chiều 3/4, hàng trăm người hoàn thành cách ly ở ký túc xá Pháp Vân – Tứ Hiệp (Hà Nội) được trở về nhà.

"Những ngày này, mình có thể đi ra ngoài nhưng mình đã lựa chọn việc chỉ ở trong khu cách ly, không gặp gỡ bạn bè, người thân. Cũng hơi buồn một chút nhưng mình nghĩ việc đó là cần thiết" - Huệ chia sẻ về quãng thời gian cô làm tình nguyện viên.

* Trước ngày cô nhận nhiệm vụ, bạn bè có người khuyên cô nên từ bỏ ý định này nhưng Huệ nghĩ: "Mình còn trẻ, mình cứ làm những gì mình cho là đúng thôi. Tuổi trẻ có sức khoẻ, có trí tuệ thì cần phải góp công sức vào việc giúp đất nước quyết thắng đại dịch". Vậy là cô gái trẻ "lên đường" nhận nhiệm vụ.

Trong những ngày Huệ đang làm tình nguyện viên ở khu vực thì ở bên ngoài, ổ dịch Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu "nóng" lên với nhiều ca lây nhiễm. Trước đó, một bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cơ sở 2 cũng nhiễm Covid-19. Cứ nghĩ đến chuyện con gái mình cũng đang ở trong bệnh viện, bố của Huệ ở quê nhà đã nóng ruột gọi điện cho cô liên tục. 11h đêm nào cũng vậy, trước khi lên giường đi ngủ, ông đều gọi điện cho con gái hỏi han công việc trong ngày của cô và lần nào cũng một lời nói: "Về nhà đi con, ở nhà lo lắm!".

"Ở nhà, mọi người cứ nghĩ mình vào bệnh viện làm việc là rất nguy hiểm. Mình cũng giải thích cho gia đình đây là vòng ngoài cùng nên khả năng có người cách ly dương tính Covid-19 là rất thấp so với tuyến đầu nên ở nhà cứ yên tâm" - Huệ chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm