Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đa dạng hình thức bồi thường hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi

PV
02/08/2022 - 17:42
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đa dạng hình thức bồi thường hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi

Ảnh minh họa: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được cơ quan chủ trì soạn thảo đăng tải lấy ý kiến rộng rãi; trong đó trọng tâm sửa đổi lần này là các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Thực hiện Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được cơ quan chủ trì soạn thảo đăng tải lấy ý kiến rộng rãi.

Dự án Luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra tháng 10/2022 tới đây.

Nhằm đảm bảo lợi ích giữa các bên, đặc biệt là đảm bảo sinh kế bền vững và tốt hơn cho người có đất bị thu hồi; khắc phục tình trạng khiếu kiện, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi. Đáng chú ý là bổ sung quy định tại điểm d, e, khoản 2 và khoản 3 Điều 94 quy định thành lập Quỹ hỗ trợ để hỗ trợ cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội là thành viên hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở khi nhà nước thu hồi đất. 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

Về cơ bản, bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương (bổ sung 1 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 chương).

Đồng thời bổ sung quy định thưởng tiến độ giải phóng mặt bằng để động viên, khuyến khích để người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, rút ngắn thời gian thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, đề xuất bổ sung quy định đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân thì được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương mà không phân biệt mức độ bị thiệt hại nhà ở, công trình và trách nhiệm ban hành bảng đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế về nhà, công trình xây dựng tại khoản 1, khoản 4 Điều 89 dự thảo Luật.

Tại khoản 1, khoản 3 và khoản 6 Điều 97, dự thảo luật còn bổ sung quy định người có đất ở thu hồi để thực hiện dự án nhà ở, dự án cải tạo chung cư cũ, dự án di dời các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc trường hợp phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quy định, dự án tái định cư, thì được bố trí tái định cư tại chỗ. Đồng thời quy định trách nhiệm cho chủ đầu tư các dự án nêu trên phải dành quỹ đất, quỹ nhà để bố trí tái định cư tại chỗ.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đa dạng hình thức bồi thường hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp về chuẩn bị đóng góp ý kiến đối với các dự án luật được trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VPQH

Tại buổi làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: với các dự án luật được trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trong đó dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất khó, rất phức tạp công tác nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu phải tiến hành kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo khách quan, nhiều chiều, đủ luận cứ khoa học, căn cứ thực tiễn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đối với dự án Luật Đất đai, việc xây dựng, đề xuất nội dung sửa đổi cần bám sát tinh thần tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Qua đó, đòi hỏi việc lấy ý kiến, toạn đàm, hội thảo về nội dung này cần chuyên sâu,  làm rõ các vấn đề nổi cộm, trọng tâm cần sửa đổi, những nội dung có nhiều quan điểm khác nhau;…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tập trung vào các nội dung hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất như: (1) Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (3) Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

(4) Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất; (5) Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; (6) Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; (7) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm