Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc quy hoạch, quản lý đất đai đô thị

20/05/2019 - 12:19
Sáng nay 20/5, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV chính thức họp phiên khai mạc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định kỳ họp này, Quốc hội tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng của đất nước trong đó có giám sát tối cao việc quy hoạch, quản lý đất đai tại các đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Phát biểu Khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, cùng cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực phấn đấu cao nhất.

Tại kỳ họp này, Quốc hội tập trung xem xét, quyết định các nội dung quan trọng, trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác; như: xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ theo quy trình tại một kỳ họp và cho ý kiến bước đầu về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), đồng thời xem xét, quyết định việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể nhằm nội luật hóa các điều ước quốc tế, bảo đảm sự tương thích với các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, thể hiện tinh thần chủ động, nghiêm túc của Nhà nước ta trong việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

khai-mac-ky-hp-7-1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp

 

Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý đất đai tại các đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét, thông qua các Nghị quyết về một số vấn đề quan trọng khác...

Theo chương trình kỳ họp, trong số 9 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này, thì Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến tập trung vào những vấn đề còn ý kiến khác nhau, như: việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm giờ tối đa; các phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; về thời gian nghỉ tết âm lịch; về bổ sung ngày nghỉ lễ vào Ngày thương binh, liệt sĩ; về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

khai-mac-ky-hp-7-2.jpg
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7

 

Dự kiến, sáng 29/5, Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước Quốc hội.

Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Đến ngày 12/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật quan trọng này.

Dự kiến, Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được Quốc hội thông quan tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm