Trả lời báo giới các vấn đề xung quanh dự thảo Luật Thuế tài sản, trong đó có đề xuất áp thuế 0,4%/năm với phần giá trị nhà ở vượt từ 700 triệu đồng đang gây phản ứng trong dư luận, người đứng đầu ngành tài chính khẳng định, Dự thảo Luật thuế tài sản có thể được thông qua ngay trong nhiệm kỳ này nếu được Chính phủ đồng ý đưa ra trình Quốc hội thông qua.
Lý giải cơ sở để đưa ra đề xuất xây dựng Luật thuế tài sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ này dựa trên cơ sở các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ. Trong đó, đề xuất được xây dựng dựa trên cơ sở “Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020”; Đề án của Chính phủ về huy động, khai thác nguồn lực đất đai; Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững…
Trả lời cho câu hỏi thay vì mở rộng đối tượng thu và thuế suất, vì sao nhà nước không đẩy mạnh giải pháp tiết kiệm chi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng: Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam phải cắt giảm một số sắc thuế quan trọng, cộng thêm giá dầu giảm sâu trong thời gian qua đặt ra yêu cầu phải mở rộng nguồn thu.
Song song với đó là giải pháp tiết kiệm chi ngân sách, đặc biệt giảm chi thường xuyên để có tiền chi cho đầu tư phát triển. “Thời gian qua, chúng ta đã tiết kiệm các khoản chi cho hội nghị, hội thảo, thực hiện khoán xe công... Thời gian tới, chúng ta phải thực hiện tinh giản bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị công lập”. Để làm được như vậy, theo ông Đinh Tiến Dũng, phải có sự vào cuộc của các ngành, các cấp. Như vậy mới có thể có nguồn thu cho đầu tư, phát triển, an sinh xã hội".
Giải đáp câu hỏi vì sao Bộ Tài chính lại quyết định công bố, lấy ý kiến xây dựng dự án vào thời điểm này, theo người đứng đầu Bộ Tài chính, dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về dự thảo Luật Thuế tài sản, đây là bước giúp bộ này hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Luật. “Chúng tôi rất hoan nghênh, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhân dân cả nước về Dự thảo Luật này để trình Chính phủ. Nếu Chính phủ thông qua sẽ báo cáo Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ này”, ông Đinh Tiến Dũng nói.
Trước đó, Báo PNVN đã nêu ý kiến của các chuyên gia phản biện, trong đó luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật Trường Sơn, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đặt vấn đề: Câu hỏi lớn nhất cần đặt ra với Bộ Tài chính là “cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý nào để đưa ra sắc thuế tài sản là bất động sản?”
Bên cạnh đó, điểm bất hợp lý nữa là mâu thuẫn trong kỹ thuật xây dựng chính sách thuế, khiến “thuế chồng thuế”. Người dân có được thu nhập đã phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Khi mua bất động sản đã phải trả thuế thu nhập cho người bán một lần nữa (trích từ trong giá thành của bất động sản); rồi nộp lệ phí chuyển nhượng, trước bạ, thuế đất... Thậm chí, mỗi viên gạch, thép, xi măng để xây một ngôi nhà cũng đã có những khoản thuế đi kèm.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng Bộ Tài chính cần làm rõ cho người dân và doanh nghiệp biết “mức thuế suất 0,4% dựa trên căn cứ nào?”, ai thực thi quy trình định giá, cách định giá thế nào?
Ông Vũ Đình Ánh cũng đặt vấn đề, trong dự thảo, các tài sản là nhà, ô tô, tàu thuyền đều là tài sản tiêu dùng, có tăng giảm giá theo thời gian, thì lấy gì làm chuẩn và các công cụ định giá, tính thuế, thu thuế thế nào, rất cần phải làm rõ với người dân.