pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dụ trẻ tham gia cuộc thi sắc đẹp để xâm hại trên không gian mạng
Một cán bộ của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em đang tư vấn qua điện thoại
Thông tin trên được lãnh đạo Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ với PNVN. Theo ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, thời gian qua, Tổng đài nhận được rất nhiều cuộc gọi phản ánh con trẻ bị rủ tham gia các trang web, mạng xã hội, bị dụ dỗ tham gia các cuộc thi sắc đẹp cho độ tuổi mới lớn. Ông Hiệu nhận xét, đây là một hình thức quấy rối tình dục mới đối với trẻ khi các con phải học online trong những ngày nghỉ dịch.
Chị L.T.H (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh tới Tổng đài 111 rằng, con gái chị đang học lớp 8 tại một trường THCS của quận Cầu Giấy. Hôm trước, cháu có kể với mẹ về việc liên tục nhận được những tin nhắn lạ, gạ gẫm cháu tham gia các cuộc thi sắc đẹp dành cho bé gái từ 12 đến 15 tuổi. Khi hai mẹ con tâm sự, cháu đưa điện thoại để chị xem những tin nhắn đó. Tin nhắn có đoạn: "Để tham gia trước tiên em phải chụp cho chị 4 tấm hình (1 tấm chính diện toàn thân mặt trước, 1 tấm chính diện toàn thân mặt sau, 2 tấm 2 mặt nghiêng 2 bên). 4 tấm hình này không tham gia thi và yêu cầu khi chụp không được mặc gì cả, do chị đích thân kiểm tra sẹo. Kiểm tra sẹo xong chị sẽ quyết định em mặc trang phục gì để thi thể hình". Xem xong tin nhắn, chị H. giật mình. Chị nhẹ nhàng phân tích cho con hiểu rõ sự việc. "May mà mình phát hiện kịp thời, nếu không, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra", chị H. chia sẻ.
Ông Nguyễn Công Hiệu cảnh báo, đã có những trường hợp gọi điện đến Tổng đài phản ánh, con họ bị dụ dỗ và gửi hình ảnh nhạy cảm cho các đối tượng lạ mặt trên mạng. Sau đó, chính những đối tượng này sử dụng các hình ảnh đó để tống tiền, gây sức ép.
Trung bình mỗi tháng, Tổng đài Bảo vệ Trẻ em nhận được 13.000 cuộc gọi. Riêng trong thời gian này, xuất hiện thêm các cuộc gọi phản ánh bị quấy rối khi học online và những mâu thuẫn cha mẹ với con cái trong thời gian ở nhà cách ly xã hội. "Các cuộc gọi phản ánh bị quấy rối khi học không nhiều nhưng chúng tôi liên tục nhận được. Một ngày có vài cuộc", ông Hiệu cho hay.
Theo lãnh đạo Tổng đài 111, khi gặp phải những tình huống tương tự, các bậc phụ huynh và học sinh nên bấm số 111 để được các chuyên gia tư vấn. Nhất là trong các trường hợp nguy hại tới con em cần phải liên hệ ngay để Tổng đài phối hợp cùng cơ quan chức năng truy tìm dấu vết kẻ xấu.
Được biết, Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa phối hợp với các tổ chức quốc tế soạn thảo hướng dẫn bảo vệ trẻ trong môi trường trực tuyến, đặc biệt trong thời gian đang cách ly xã hội. Hướng dẫn này sẽ sớm được phát hành để bổ sung kỹ năng cho trẻ.
"Cha mẹ hãy thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con"
Đó là khuyến cáo của bà Nguyễn Thuận Hải, Tổng Đài trưởng Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, khi nói về cách bảo vệ con khỏi nguy cơ bị xâm hại nói chung và bị xâm hại qua môi trường mạng nói riêng.
Theo bà Nguyễn Thuận Hải, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên phần lớn học sinh các trường đang sử dụng những phần mềm như Zoom hay Google class room để học. Khi trẻ sử dụng internet để học như thế, có thể có những trang web lạ hiện lên. Các em không được mở, đặc biệt khi thấy những hình ảnh, yếu tố không phù hợp hoặc người lạ. Các con không kết bạn, không trò chuyện, không mở webcam với những người mà mình không biết.
Trong trường hợp các con cảm thấy lo lắng, không an toàn thì phải báo ngay với cha mẹ mình hoặc gọi cho Tổng đài 111. Với cha mẹ, nên dùng phần mềm diệt virus hoặc có những bộ lọc, cài vào máy tính có thể hạn chế những nội dung không tốt mà trẻ em có thể truy cập vào. Cha mẹ phải thường xuyên giám sát để biết các con vào những trang gì; trò chuyện với con để hỗ trợ, chia sẻ kịp thời.