pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đưa vải thổ cẩm truyền thống lên "chợ online"

Thành viên HTX Thổ cẩm Lâm Bình livestream bán vải thổ cẩm truyền thống trên các trang mạng xã hội.
Chặng đường gian truân của dệt thổ cẩm truyền thống
Huyện Lâm Bình hiện có hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn... Mỗi dân tộc lại vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống riêng biệt, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.
Với đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Bình, dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ là công việc mưu sinh hằng ngày, mà còn thể hiện trình độ thẩm mỹ, quan niệm về cuộc sống và tín ngưỡng của người dân.
Bà Ma Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình cho biết, dù mang trong mình trách nhiệm gìn giữ nét văn hóa của cả một cộng đồng dân tộc nhưng dệt thổ cẩm truyền thống đứng trước nguy cơ mai một.
"Trước kia, bên cạnh việc dệt thổ cẩm để phục vụ cho chính nhu cầu của bản thân và gia đình, phụ nữ dân tộc thiểu số cũng tranh thủ thời gian nông nhàn để dệt vải, may vá để bán.

Huyện Lâm Bình tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt.
Tuy nhiên, với sự phát triển của kinh tế thị trường, các sản phẩm dệt công nghiệp với sự đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng cũng như giá thành rẻ tràn vào Việt Nam khiến các sản dệt thổ cẩm truyền thống dần bị mai một. Tại mỗi cộng đồng dân tộc, chỉ có một số ít người gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống", bà Hồng chia sẻ.
Nhận thấy giá trị văn hóa đặc sắc của nghề truyền thống có nguy cơ bị lãng quên, các tổ chức văn hóa và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang đã vào cuộc với nhiều chương trình hỗ trợ.
Việc thành lập các HTX, tổ hợp tác nghề dệt thổ cẩm giúp người dân có điều kiện duy trì sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, những tấm vải thổ cẩm với hoa văn truyền thống của người dân tộc thiểu số ở huyện Lâm Bình tiếp tục được gìn giữ và giới thiệu đến du khách gần xa.
HTX Thổ cẩm Lâm Bình được thành lập từ đầu năm 2021 với 30 thành viên là phụ nữ dân tộc Tày, Dao. Họ là những người gắn bó và am hiểu tường tận nghề dệt truyền thống.
Để duy trì và phát triển bền vững, HTX đã triển khai mô hình "người biết nghề truyền dạy người chưa biết", tổ chức các lớp hướng dẫn, đào tạo nghề ngay tại cộng đồng. Nhờ vậy, không chỉ những người lớn tuổi mà cả lớp trẻ, trong đó có nhiều học sinh, cũng đã dần tiếp cận, yêu thích và tự hào tiếp nối nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

Từng có thời điểm nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc thiểu số ở huyện Lâm Bình đứng trước nguy cơ mai một.
Theo bà Ma Thị Hồng, HTX Thổ cẩm Lâm Bình chia ra thành nhiều tổ, nhóm cùng sở thích nằm trên địa bàn các xã, như nhóm cùng sở thích dệt khăn thổ cẩm, chăn thổ cẩm; nhóm thêu; nhóm may và thiết kế sản phẩm từ thổ cẩm…
"Hoạt động của HTX Thổ cẩm Lâm Bình đạt được những tín hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn nghề truyền thống. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, để nghề dệt thổ cẩm thật sự tạo ra sinh kế bền vững, thu hút được chị em tham gia thì phải tìm được đầu ra cho sản phẩm", bà Hồng chia sẻ.
Ban đầu, HTX Thổ cẩm Lâm Bình chỉ đơn giản là bày bán các sản phẩm dệt thổ cẩm một cách truyền thống cho các du khách đến tham quan, du lịch. Tuy nhiên, do là một huyện vùng sâu vùng xa, giao thông không thuận tiện nên hầu như các sản phẩm của chị em không thể tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất chậm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc công xá không đáng bao khiến nhiều chị em nản lòng.
Cánh cửa mới cho vải thổ cẩm
Vài năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet giúp kết nối mọi người từ khắp nơi trên thế giới đã mở ra một "cánh cửa mới" cho mặt hàng dệt thổ cẩm.
"Nhận thấy ở Việt Nam và trên thế giới vẫn còn có nhiều người say mê với các sản phẩm vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số nên chúng tôi đã sử dụng mạng xã hội để giới thiệu những sản phẩm của HTX đến với họ", bà Hồng cho biết thêm.
Kể từ đó, nhiều phiên livestream bán các mặt hàng vải thổ cẩm truyền thống của HTX Thổ cẩm Lâm Bình diễn ra. Để thuận tiện cho việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, HTX Thổ cẩm Lâm Bình cũng thành lập nhiều nhóm trên mạng xã hội để giúp khách hàng dễ tiếp cận, xem và mua hàng. Thông qua các phiên livestream, khách hàng cũng có thể đưa ra yêu cầu riêng đối với sản phẩm của mình để chị em thực hiện.
Với quan điểm dù là mua hàng qua mạng thì chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu nên để tạo dựng lòng tin đối với khách hàng, các thành viên của HTX Thổ cẩm Lâm Bình vẫn thường xuyên ghi hình trực tiếp các công đoạn sản xuất ra sản phẩm thêu dệt của các thành viên trong HTX, giúp khách mua lựa chọn được những mặt hàng ưng ý nhất.

Bà Ma Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình, hướng dẫn thành viên của HTX Thổ cẩm Lâm Bình thao tác trên khung cửi.
Mỗi sản phẩm làm ra không những đảm bảo tính ứng dụng, thẩm mỹ mà còn chứa đựng câu chuyện nhân văn ý nghĩa mang thông điệp cuộc sống. "Nhờ những phiên livestream bán hàng qua mạng xã hội nên số lượng đơn đặt hàng tăng lên đáng kể, chiếm đến 80% tổng số đơn hàng của HTX. Từ đó, mức thu nhập của các thành viên cũng cao hơn, giúp chị em ổn định cuộc sống, chuyên tâm làm việc", bà Hồng phấn khởi chia sẻ.