pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phát triển trang phục thổ cẩm "xuyên biên giới" nhờ ứng dụng mạng xã hội

Chị Giàng Thị Chá đang trao đổi với khách hàng thông qua nền tảng mạng xã hội
Theo học Trường Cao đẳng Lào Cai nhưng khi ra trường, chị Giàng Thị Chá lại chọn theo đuổi đam mê là thiết kế và may trang phục truyền thống của dân tộc mình. Với một cơ sở khiêm tốn ban đầu là quầy hàng nhỏ ở chợ phiên vùng cao, chị Chá đã phải chật vật khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp.

Chị Giàng Thị Chá
Các sản phẩm do chị làm ra có đẹp, có khác biệt nhưng cũng chỉ có thể bán cho những người dân địa phương ở chợ phiên, vì không có sự lan tỏa nên không được thị trường biết tới. Bước ngoặt đến với chị Chá và năm 2019, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mọi sản xuất kinh doanh bị đình trệ, chị Chá đã phải quay quắt tìm cách vượt khó.
Chị Chá chia sẻ: “Tôi chỉ sản xuất và bán sản phẩm trong nước là chính nhưng đến năm 2019, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm trong nước. Hàng làm ra không bán được vì dịch bệnh Covid-19 đã khiến mọi kế hoạch đảo lộn. Tôi lên mạng xã hội tìm được người bạn cũ lấy chồng ở bên Lào. Tôi chia sẻ việc mình đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và hỏi về thị trường vùng người Mông ở bên Lào. Cô ấy đã giới thiệu khách giúp cho tôi. Đến khi tôi bán được cho vài khách thì tự khách hàng họ giới thiệu người nọ người kia cho tôi. Từ đó tôi thâm nhập được vào thị trường ở bên nước Lào”.

Xưởng thiết kế mẫu của chị Giàng Thị Chá
Kể từ khi “mở cửa” được thị trường mới, Giàng Thị Chá lại tập trung tìm hiểu và tham khảo nhu cầu thị trường, thị hiếu của khách hàng là người Mông ở bên Lào, để tạo ra các mẫu sản phẩm họ yêu thích nhất.
“Đối với thị trường bên Lào, tôi thuận lợi là khách hàng bên đó cũng là người dân tộc Mông, nên chúng tôi có thể dễ dàng trò chuyện và trao đổi với nhau hơn. mà không bị rào cản ngôn ngữ. Nhưng tôi cũng đang lo tính đến việc khi khách hàng của mình không phải là người dân tộc Mông thì mình cũng cần phải học cách giao tiếp để có thể hiểu tâm tư, nhu cầu của khách hàng mà bán được hàng cho họ”, chị Chá cho biết.
Cho đến nay, cơ sở của chị Chá đã phát triển khá mạnh, phát triển thêm nhiều loại sản phẩm trang phục như váy, yếm, mũ, khăn…, ngoài ra, chị cũng tạo việc làm thêm cho các chị em, những người phụ nữ lớn tuổi không còn phù hợp với các công việc nặng nhọc, họ nhận hàng từ chị về sản xuất tại nhà, từ đó cũng có thêm nguồn thu nhập.
Thị trường bên nước Lào, đến nay, chị Chá cũng đã mở rộng ra các nước như Mỹ, Thái Lan, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ đặt hàng nhiều nhất. Đồng thời chị Chá cũng tăng cường mở rộng quy mô bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng.
"Hiện nay, tôi chủ yếu bán hàng thông qua hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, Tiktok, nên cũng tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên, đồng thời cũng giúp chị em tiếp cận với thị trường online để thay đổi tư duy về thương mại trong bối cảnh hiện nay", chị cho hay.
Chị Giàng Thị Lan, thôn Bản Kha, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, chia sẻ: "Tôi làm việc ở đây được 1 năm rồi. Công việc hằng ngày của tôi là may váy, yếm, đai mũ…. Thu nhập hằng tháng của tôi là 4 triệu đồng. Từ khi làm ở đây, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm hơn trong việc may trang phục truyền thống cũng như việc bán hàng ra nước ngoài thông qua mạng xã hội".
Bà Ly Thị Mai, Chủ tịch Hội LHPN xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, cho biết: "Chị Chá sản xuất trang phục truyền thống và có kết hợp sáng tạo để phù hợp với thị hiếu của khách hàng, đồng thời phát triển thương mại trên nền tảng mạng xã hội rất tốt. Khi đã làm thành công, chị Chá cũng hướng dẫn chị em làm theo, tạo việc làm cho chị em, hiện trang phục của chị không chỉ bán trong huyện, trong nước mà chủ yếu là bán ra nước ngoài thông qua mạng xã hội".
Niềm đam mê sáng tạo đã giúp chị Chá khởi nghiệp thành công với nghề may trang phục thổ cẩm dân tộc Mông. Đồng thời khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm cho chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn trong phát triển kinh tế để có cuộc sống tốt hơn.
Nhờ những bước đi táo bạo và rất sáng tạo, biết lựa theo xu hướng và thị hiếu khách hàng và đặc biệt là chị đã ứng dụng mạng xã hội để phát triển đua sản phẩm xuyên biên giới thành công, không chỉ đem lại lợi ích cho mình, mà còn góp phần tạo ra công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ ở địa phương.