'Đừng chống lại cơn trầm cảm, bởi càng chống thì nó càng phản lại'

10/07/2018 - 18:11
Trong cuộc sống nhiều áp lực như hiện nay, ngày càng nhiều người mắc bệnh trầm cảm. Theo PGS.TS Nguyễn Phương Hoa, đừng chống lại cơn trầm cảm, bởi vì càng chống lại thì nó sẽ càng phản lại chúng ta và tình trạng càng khó khăn hơn nhiều.

Tại buổi chia sẻ về căn bệnh trầm cảm, PGS.TS Nguyễn Phương Hoa, chuyên viên trị liệu tâm lý, đồng thời là cố vấn của diễn đàn Beautiful Mind Việt Nam (Diễn đàn Một tâm hồn đẹp) cho biết, ai cũng có những thời điểm đối diện với hàng loạt vấn đề cuộc sống cùng lúc ập đến và cảm thấy vô cùng bế tắc.

“Tôi nhớ có một bạn từng tìm tôi và nói rằng tôi đang đi trên đường và tôi không thể nào kìm lại cơn nóng giận của mình, bây giờ tôi phải làm sao? Tư vấn của tôi lúc đó là bạn cứ tiếp tục đi trên đường đi và nếu được thì hãy ghé một cửa hàng, mua cho mình một thứ đồ uống. Bạn ấy trả lời tôi là không. Bạn không muốn nhìn ai, không muốn gặp ai, không muốn làm gì trong lúc này. Vậy thì điều bạn ấy chỉ có thể làm là cứ đi, sau đó tập thở bằng bụng. Và giữ liên lạc với người thân. Bằng cách đó, qua khoảng 15, 20 phút, bạn trở lại bình tĩnh và nói với tôi là bây giờ bạn có thể đi về nhà rồi. Đó là cách mà ta có thể vượt qua cơn trầm cảm mang lại, khi chỉ có một mình. Nhưng việc một mình cũng chỉ là tương đối, bạn ấy cần trợ giúp và đã gọi cho tôi”, chị Phương Hoa kể lại.

 

 

 

 

Rối loạn vì có nhiều việc một lúc: "Tốt nhất là... đừng làm gì cả"

Từng viết nhiều cuốn sách về chủ đề này, chuyên gia cho rằng, hãy sắp xếp các vấn đề đó và chọn lựa những việc ưu tiên rồi giải quyết từng việc một.

phuong-hoa-2.jpg
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa (bên phải) chia sẻ về căn bệnh trầm cảm

Thế nhưng, theo chị Phương Hoa, nếu chúng ta đã có đủ bình tĩnh để chọn những việc ưu tiên nhất để giải quyết thì có lẽ vấn đề của chúng ta cũng không quá lớn. Tuy nhiên, với những người đang gặp vấn đề rối loạn cảm xúc, khi chúng ta có quá nhiều vấn đề mà chúng ta không thể làm được gì thì tốt nhất là... chúng ta đừng làm gì cả. Chúng ta cần phải nghỉ ngơi. Bởi vì khi chúng ta rơi vào trạng thái như vậy có nghĩa là chúng ta đang quá tải và nó chỉ được giải quyết với điều kiện là chúng ta có thể trở lại suy nghĩ của mình.

Chị Phương Hoa giải thích, giống như chiếc xe bị chất quá nặng, nguy cơ cao sẽ xảy ra là hỏng xe, mà nếu chúng ta bị hỏng rồi thì chúng ta không thể vận hành, không thể làm gì được nữa. Cách duy nhất là chúng ta bỏ bớt hàng hóa trên chiếc xe xuống. Cũng có nghĩa là ta phải bỏ bớt suy nghĩ của mình. Cho mình một khoảng thời gian để sắp xếp lại và không làm gì cả trong khi có quá nhiều việc phải giải quyết.

Khi bị trầm cảm, chúng ta không còn động lực để làm điều gì, kể cả những việc đơn giản nhất như đứng dậy rửa mặt hay gập đống quần áo đang ngổn ngang. Trong giai đoạn này, rất ít người biết cách vực dậy tinh thần để giảm nhẹ trạng thái trầm cảm của mình.

Không nên ở một mình khi trầm cảm

Chị Phương Hoa chia sẻ, khi cơn trầm cảm đến chúng ta buộc phải đợi cho nó qua vì chúng ta không thể đứng dậy được nữa. Nếu càng cố gắng, chúng ta sẽ càng mệt mỏi, càng chất thêm những khó khăn lên mình. Lúc đó, việc chúng ta có thể làm chỉ là tiếp tục nghỉ ngơi, tiếp tục thực hiện công việc đang làm. Nếu đang khóa kín trong phòng thì cố gắng tiếp tục kéo dài thời gian ở một mình thêm một chút nữa. Và để đợi cơn trầm cảm qua thì chúng ta cần thiết phải được bảo vệ an toàn. Thời điểm này, chúng ta không nên sống một mình vì trầm cảm làm rối loạn cảm xúc và trong một số trường hợp nó có thể làm rối loạn hành vi. Khi đó,  hành vi không thể kiểm soát được và sẽ dẫn tới những hành vi cực đoan.

tram-cam-2.jpg
Khi cơn trầm cảm đến, hãy đợi cho nó qua. Nếu càng cố gắng, chúng ta sẽ càng mệt mỏi, càng chất thêm . Ảnh minh họa

 

Trong những lúc đó, chúng ta cần thiết được chăm sóc, chúng ta có thể ở trong phòng một mình, và khi chúng ta không thể làm gì được thì hãy cho phép mình nghỉ ngơi, thư giãn. Nhưng chúng ta không nên chốt cửa phòng lại. Chúng ta có thể ở một mình nhưng những người thân của chúng ta cũng cần hỗ trợ chúng ta khi cần thiết.

Thế nhưng, không phải ai trầm cảm cũng may mắn có người thân bên cạnh. Để vượt qua cơn trầm cảm mà không thể cầu viện từ bất kỳ ai, chị Phương Hoa gợi ý: Chắc chắn chúng ta chỉ có một cách ngồi xuống và tĩnh lặng. Tôi đã hướng dẫn một số bạn thiền và trong thời gian đó chúng ta có thể thư giãn và kiểm soát độ căng cơ của mình bằng cách đặt bàn tay phải lên tay trái và tìm cách để nó giãn ra tối đa có thể được. Tất nhiên là điều đó rất khó vì khi đang trong cơn trầm cảm, chúng ta thường bị tê liệt và khi ta ý thức được thì có nghĩa là cơn trầm cảm chưa đạt đỉnh hoặc nó bắt đầu đi qua rồi. Thế nên là hãy bình tĩnh, kiểm tra độ thả lỏng của mình, thả lỏng bằng mọi cách có thể.

phuong-hoa-3.jpg
Theo PGS.TS Nguyễn Phương Hoa, những người trầm cảm là những người nỗ lực nhất, cố gắng nhất, thế nên là khi cơn trầm cảm đến mà không có ai, chúng ta cứ tiếp tục làm công việc mình đang làm và thư giãn

Chính vì vậy, theo chị Phương Hoa, chúng ta cần phải giữ một mối quan hệ nào đó với người thân để trong bất kỳ tình huống nào cũng có thể liên lạc. Còn nếu chỉ có một mình, thì chúng ta hãy cứ tiếp tục việc mình đang làm. “Tôi biết những người trầm cảm là những người nỗ lực nhất, cố gắng nhất, thế nên là khi cơn trầm cảm đến mà không có ai, chúng ta cứ tiếp tục làm công việc mình đang làm và thư giãn. Đừng chống lại cơn trầm cảm, bởi vì càng chống lại thì nó sẽ càng phản lại chúng ta và càng khó khăn hơn nhiều”, chị Phương Hoa nhấn mạnh.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm