Sự việc cô giáo trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) đơn độc trước những phụ huynh đang hùng hổ đòi trừng phạt cô khiến các giáo viên khác cảm thấy vô cùng chua xót. Nhiều người chọn nghề giáo bởi đây là nghề cao quý, nghề được xã hội tôn trọng. Thế nhưng, sau rất nhiều vụ việc gần đây, họ gọi nghề giáo là… nghề bạc.
Là người có nhiều năm gắn bó với các giáo viên tiểu học, trước sự việc đau lòng này, TS. Vũ Thu Hương (ĐHSP Hà Nội) cảm thấy rất nản lòng: Giáo viên hiện nay không được quát, không được phạt và cũng không được từ chối dạy học sinh. Giáo viên thực sự đơn độc vì ngành, Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT luôn biết cách bỏ rơi họ lúc cần thiết. Bộ, Sở, Phòng luôn chỉ có mặt để kiểm tra, hạch sách họ. Công đoàn ngành cũng chỉ tồn tại để lo hiếu hỉ. Khi người giáo viên cần bênh vực, tất cả lập tức biến mất. Thậm chí có những người bị cả thế giới chống lại. Công đoàn giáo dục ở đâu mà để người lao động chịu đựng sự sỉ nhục lớn đến vậy? Liệu họ đã thực sự chăm lo cho cuộc sống của người lao động hay chưa?
Chia sẻ trên diễn đàn của các thầy cô giáo, tài khoản Lê Thu Lệ cho biết: Làm hiệu trưởng mà không xử lý dứt điểm lại còn lấy lý do đi dự giờ để trốn tránh chứng tỏ năng lực yếu. Bỏ mặc một cô giáo trẻ thân cô thế cô giữa mấy phụ huynh để bọn họ chà đạp lên danh dự của nhà giáo thì thật là kém. Đó không chỉ là danh dự của cô Nhung mà đây là danh dự của cả ngành giáo dục.
Tài khoản Hieu Minh cảm thấy chán nản: Nghề giáo nghèo nhưng đổi lại được sự kính trọng của xã hội và học sinh. Nhưng điều đó đã mất. Giờ thì cái nghề này đủ thứ áp lực. Áp lực từ cấp trên, từ phụ huynh rồi học sinh. Thực sự cảm thấy mất hết nhiệt huyết.
Cạn nhiệt huyết, không ít giáo viên nghĩ đến việc chuyển khỏi công việc vừa nghèo vừa bạc. Với họ, danh dự là thứ quý giá nhất, không có gì đánh đổi được. Facebook Hung Pham chia sẻ: Cảm thấy thứ cuối cùng còn lại trong nghề là một chút niềm tin cũng không còn. Tôi nghĩ rằng cô giáo đừng bao giờ quỳ hay hạ mình vì những con người không đáng. Cô giáo cứ ngẩng cao đầu mà ra đi. Có hai bàn tay, có sức lao động, có nghị lực thì thiếu gì việc khác để làm, thiếu gì nghề để sống tốt hơn. Vài năm nữa nghề giáo còn giá trị nào để níu kéo chúng ta ở lại không? Đừng để người khác chà đạp lên tự trọng của mình.
Chị Nguyễn Trần Anh Thu (Hà Trung, Thanh Hóa) từng mơ ước trở thành giáo viên nhưng anh trai nằng nặc bắt chị thi báo chí. Là một người khá nghiêm khắc, đòi hỏi cao ở người khác, chị chia sẻ: Nếu mình làm giáo viên thì mình bị đuổi khỏi ngành lâu rồi. Bắt cô giáo quỳ xin lỗi - một sự hạ nhục nhân phẩm người khác hay nói cách khác là sự sụp đổ của truyền thống "tôn sư trọng đạo". Cô giáo quỳ để cho sự việc êm xuôi, để cô tiếp tục cái nghề kiếm cơm chăng? Còn những người quản lý ở trường lúc đấy dù sự việc chưa giải quyết xong nhưng với lý do bận phải đi ra ngoài, bỏ đồng nghiệp - một nữ giáo viên ở lại. Cô giáo ấy cô đơn trước những phụ huynh hùng hổ đòi trừng phạt cô.
Chị Anh Thu bức xúc: Ai bảo vệ giáo viên trong nền giáo dục lúc nào cũng hô khẩu hiệu "lấy học sinh làm trung tâm". Họ còn nhiệt huyết "trồng người" đúng nghĩa không khi hơi tí phụ huynh lại đòi... xử giáo viên?!