Đuối tài chính, nhiều gia đình trẻ ngậm ngùi bán “cắt lỗ” căn hộ

Mạnh Hùng
08/06/2022 - 13:26
Đuối tài chính, nhiều gia đình trẻ ngậm ngùi bán “cắt lỗ” căn hộ

Một góc khu chung cư Him Lam - Phú An (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh minh họa

Nhiều tháng qua, chị Lê Thế Thảo (quê Bến Tre) rao bán “cắt lỗ” căn hộ chung cư rộng 45 m2 ở quận 12, TPHCM, song chẳng ai hỏi mua. Thu nhập của hai vợ chồng bị giảm, trong khi hằng tháng phải trả tiền lãi vay ngân hàng mua nhà là 8,3 triệu đồng. Chị Thảo đành cho thuê căn hộ của mình, còn cả nhà đi thuê phòng trọ để ở.
Nỗi niềm người trong cuộc

Sau nhiều năm lập nghiệp tại TPHCM, vợ chồng chị Lê Thế Thảo cố gắng tích cóp để mua nhà, thực hiện giấc mơ an cư. Năm 2018, chị mua được căn hộ 45m2 với giá 1,2 tỷ đồng/căn. Được ngân hàng giải ngân 1 tỷ đồng trong vòng 20 năm, với lãi suất 10%/năm, mỗi tháng, chị Thảo phải trả tiền lãi cho ngân hàng là 8,3 triệu đồng. "Khi chưa có dịch Covid-19, thu nhập của tui và ông xã khá ổn định, có tiền trả lãi suất ngân hàng. Nhưng qua mùa dịch thì công việc của ông xã không được như ý, nguồn thu trong gia đình bị giảm, không đủ để trả tiền lãi vay ngân hàng".

Cuối cùng, chị Thảo đành gửi chủ đầu tư và ngân hàng bán "cắt lỗ" nhưng không có người hỏi mua. Hỏi tư vấn của nhân viên ngân hàng, vợ chồng chị quyết định cho thuê căn hộ của mình với giá 6 triệu đồng để có tiền trang trải khoản vay gốc và tiền lãi ngân hàng. Từ người có căn hộ để ở, chị và gia đình ra ngoài thuê phòng trọ để ở.

Trước khi chưa có dịch Covid-19, Hoài An, một nhân viên thiết kế ở quận 3, TPHCM, có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Vợ của anh làm biên dịch viên với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng tích cóp được 500 triệu đồng. Anh An bàn với vợ mua một căn hộ thuộc dự án Him Lam - Phú An (TP Thủ Đức, TPHCM) có giá 2,5 tỷ đồng. Ngân hàng giải ngân cho vợ chồng anh là 2 tỷ đồng, thời gian 15 năm, với lãi suất trung bình 10%/năm. Mỗi tháng, vợ chồng anh phải trả lãi ngân hàng là 16,6 triệu đồng. Có nhà mới là một niềm vui, khi từ nhà anh Hoài An đến chỗ làm của cả hai vợ chồng đều khá tiện lợi. Nhưng từ khi có dịch Covid-19, công việc của anh bị chững lại, vì trong mùa dịch ít người có nhu cầu xây nhà, thuê thiết kế. Thu nhập của anh bị cắt giảm từ 15 triệu đồng/tháng xuống 9 triệu đồng/tháng. Trước đây, phần lương của anh được dùng để trả tiền lãi cho ngân hàng. Còn sinh hoạt phí của gia đình được chi tiêu trong phần lương của vợ anh. Nhưng nay thu nhập giảm, việc trả tiền vay ngân hàng thật sự là một gánh nặng.

Đuối tài chính, nhiều gia đình trẻ ngậm ngùi bán “cắt lỗ” căn hộ - Ảnh 1.

Một góc khu chung cư Him Lam - Phú An (TP Thủ Đức, TPHCM)

Qua nhiều ngày suy nghĩ, anh Hoài An đành gửi ngân hàng bán căn hộ để giảm áp lực tài chính. Sau nhiều ngày chờ đợi, anh Hoài An được tư vấn hướng giải quyết là bán "cắt lỗ" căn hộ với giá 2,1 tỷ đồng.

Đừng để việc mua nhà thành gánh nặng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết, việc nhiều khách hàng là gia đình trẻ mua căn hộ để an cư tại thành phố là nhu cầu chính đáng nhưng qua một thời gian căng mình chống dịch Covid-19, việc khách hàng bị ảnh hưởng đến nguồn thu nhập, không có tiền để trả lãi ngân hàng. Hiệp hội đã nắm thông tin và có khuyến nghị với các chủ đầu tư và ngân hàng thương mại thực hiện giãn nợ hoặc điều chỉnh kế hoạch trả lãi của khách hàng cho ngân hàng.

Anh Lê Tiến, chuyên viên thu hồi công nợ của Ngân hàng VIB chi nhánh quận Gò Vấp, TPHCM, chia sẻ: "Mỗi ngày, đều có khách hàng đến chi nhánh để gửi lại căn hộ hoặc nhờ chuyên viên thu hồi công nợ của ngân hàng bán căn hộ vì họ không có tiền trả lãi ngân hàng. Những trường hợp như vậy chúng tôi đều báo lại Trưởng bộ phận để báo cáo lên Ban Giám đốc, vừa bảo đảm quyền lợi của khách hàng vừa bảo đảm việc thu hồi công nợ của ngân hàng".

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thành Năm (Viện Kinh tế TPHCM), khi các gia đình trẻ mua căn hộ để ở cần cân nhắc tổng thu nhập của gia đình, tổng nợ cần phải trả trong tháng cũng như tỷ trọng tiền vay. Tỷ trọng tiền vay càng ít càng tốt để tránh rủi ro đuối tài chính. Gia đình định mua căn hộ mà mới có 300 triệu đồng, còn lại 2 tỷ đồng là đi vay thì cần phải cân nhắc. Việc gánh các khoản dư nợ, lãi suất cố định sẽ kéo theo số tiền bạn phải trả cho ngân hàng là rất lớn. Khi đó, việc mua nhà lại trở thành gánh nặng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm