Đường dây ma túy vào Mỹ xuyên 3 châu lục

11/09/2017 - 19:55
Một buổi tối tháng 11/2014, một số cảnh sát tại thành phố cảng Mombasa của Kenya được lựa chọn cẩn thận để bước vào trận chiến cuối cùng đánh vào đường dây buôn ma túy xuyên 3 châu lục vào Mỹ.
Mục tiêu của trận chiến là một ngôi biệt thự nằm ở vùng ngoại ô giàu có của bãi biển Nyali. Cảnh sát bị cấm sử dụng điện thoại di động và danh tính của những người đàn ông mà họ muốn bắt cũng được giữ kín tới 2 giờ trước khi cuộc đột kích tiến hành.

1.jpg
(Từ trái qua phải) Baktash Akasha, Gulam Hussein, Ibrahim Akasha và Vijaygiri Goswami cùng luật sư Cliff Ombeta của họ.

Bí mật được xem là tối quan trọng trong một khu vực nổi tiếng với nạn tham nhũng. Những tên tội phạm cảnh sát săn lùng đêm đó là những lãnh đạo của tổ chức Akasha.

Lực lượng chống ma túy Mỹ (DEA) đã dành nhiều năm thâm nhập vào tổ chức Akasha và cáo buộc, băng đảng này là một phần của chuỗi cung ứng heroin trải dài từ những cánh đồng thuốc phiện ở Afghanistan qua Đông Phi tới các thành phố ở châu Âu và Mỹ.

Ập vào căn biệt thự bao quanh bởi những hàng cọ và một bức tường đá cao 2m, cảnh sát bắt giữ được 2 đầu đảng là Baktash Akasha và em trai của hắn - Ibrahim Akasha, cùng hai người đàn ông khác. Cảnh sát Kenya đã buộc tội chúng buôn lậu ma túy sang Mỹ. Các công tố viên ở Mỹ sau đó truy tố cả 4 tên thêm tội danh âm mưu nhập khẩu heroin.

Trong những tài liệu đệ trình lên tòa án ở quận phía nam New York vào tháng 11/2014, các công tố viên Mỹ cho rằng tổ chức Akasha phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động “sản xuất và phân phối” với số lượng lớn ma túy ở Kenya, châu Phi và các quốc gia khác. Bốn tên đều không thừa nhận những cáo buộc của Chính phủ Kenya và đang tranh đấu để không bị dẫn độ đến Mỹ. Chúng muốn được xét xử tại Kenya.

2.jpg
Ma túy bị cảnh sát Kenya bắt giữ.

Cuộc tấn công này là một phần trong nỗ lực hợp tác rộng lớn hơn giữa DEA và Kenya chống lại những băng đảng buôn bán ma túy đang ngày càng lớn mạnh tại khu vực Đông Phi. Tuy nhiên, cuộc chiến lâu dài này còn vấp phải vô vàn rào cản như nạn tham nhũng, biên giới lỏng lẻo, giảm sát hàng hải nghèo nàn và một cơ quan tự pháp yếu kém.

Cuộc chiến không chỉ của Kenya
 
Các cơ quan thực thi pháp luật đang lo ngại rằng, một vụ mùa bội thu thuốc phiện tại Afghanistan sẽ làm tràn ngập thị trường toàn cầu trong năm 2015. Liên hợp quốc báo cáo cho thấy, diện tích trồng thuốc phiện ở Afghanistan đã tăng 7% trong năm 2014. Các cơ quan chống ma túy phương Tây lo ngại điều này sẽ còn gia tăng hơn nữa sau khi quân đội của Anh và Mỹ rút khỏi quốc gia Nam Á này.

Các quan chức phương Tây cho rằng, tình trạng buôn bán ma túy gia tăng ở Đông Phi có thể khiến khu vực này rơi vào tình trạng mất ổn định. Họ lo ngại câu chuyện tương tự đã xảy ra ở phía bên kia châu Phi tại Guinea-Bissau, nơi tràn lan thuốc phiện từ Nam Mỹ.

4.jpg
Những cánh đồng thuốc phiện ở Afghanistan.

Hầu hết thuốc phiện từ Afghanistan vào châu Âu theo tuyến đường Balkan thông qua Iran và các nước Đông Nam châu Âu. Nhưng những năm gần đây, bọn tội phạm vận chuyển ma túy đã chuyển sang tuyến đường phía Nam qua châu Phi dọc theo bờ biển Kenya và Tanzania.

Thiếu kinh phí và kinh nghiệm chống buôn lậu ma túy, các nước Đông Phi dựa vào lực lượng Hải quân liên quân (CMF) để ngăn chặn loại tội phạm này. Lực lượng hải quân của 30 quốc gia đã được thành lập để bảo vệ tuyến đường biển nhằm chống lại cướp biển Somali, đang ngày càng góp công vào triệt phá nhiều đường dây vận chuyển ma túy.

Năm ngoái, lực lượng này đã thu giữ 3,4 tấn heroin, tăng 66% so với năm 2013. Hiện các cơ quan thực thi pháp luật đang đẩy mạnh các hoạt động ở phía Đông Phi và các quốc gia gần Afghanistan. DEA cho biết họ có kế hoạch mở lại văn phòng tại Karachi, Pakistan, để làm việc với đơn vị của DEA đang đóng ở Nairobi  và với chính quyền Pakistan.

Anh được ước tính là điểm đến khoảng 20% heroin vận chuyển qua Đông Phi, cũng tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực. “Bây giờ công cuộc chống ma túy không phải của riêng chúng tôi tại Kenya. Cả thế giới đều đang bận tâm về vấn đề này”, Hamisi Masa, người đứng đầu Đơn vị tinh nhuệ chống ma túy Kenya, nói.

Quyết vào hang cọp

Theo các nhà ngoại giao phương Tây, gia tộc Akasha đã tham gia buôn bán ma túy nhiều năm. Trong những năm 1990, gia tộc này được dẫn dắt bởi Gantash, cha của Ibrahim. Năm 2000, Gantash Akasha đã bị giết trong một cuộc đấu súng tại khu đèn đỏ của Amsterdam.

3.jpg
Người dân thu hoạch thuốc phiện.

Đến năm 2014, khi DEA tiến hành tóm gọn tổ chức Akasha, Baktash, anh trai của Ibrahim đã tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. DEA cho hay, Baktash đã xây dựng được một đường dây liên kết chặt chẽ với những tay buôn ma túy lớn ở Pakistan.

Một trong những mắt xích quan trọng trong đường dây vận chuyển ma túy của gia tộc Akasha là Gulam Hussein, còn được gọi là “lão già”. Hussein đã sống ở Kenya từ năm 2012.

Một nhân vật thứ 2 không kém phần quan trọng là Vijaygiri Goswami, một doanh nhân người Ấn Độ đã trải qua hơn một thập kỷ bóc lịch trong một nhà tù ở Dubai vì tội buôn bán ma túy. Goswami kết hôn với một ngôi sao Bollywood năm 1990 và xây dựng đế chế kinh doanh của mình tại Zambia và Nam Phi.

Để thâm nhập vào đường dây vận chuyển buôn bán ma túy của gia tộc Akasha, DEA đã bí mật gài điệp viên giả danh một tay buôn làm việc cho băng đảng Colombia. Một người bạn của Baktash, thực chất cũng là cảnh sát chìm đã giới thiệu người này với hắn. Tuy nhiên, theo Ombeta, luật sư đại diện cho gia tộc Akasha tiết lộ, tay buôn kia thực chất là một người Ma-rốc từng bị tù vì buôn bán ma túy tại Mỹ.

Ngay sau cuộc gặp đầu tiên, người đàn ông Ma-rốc đã chi 3 triệu shilling Kenya (32.870 USD) tiền mặt cho thủ lĩnh Akasha như một cử chỉ thể hiện thiện chí hợp tác lâu dài.

Trong nhiều cuộc hội thoại được ghi lại bởi DEA, Baktash bị cáo buộc rằng hắn có thể cung cấp được vô hạn nguồn “tinh thể màu trắng” (ngầm hiểu là heroin tinh khiết). Baktash liền móc nối với hai nhân vật quan trọng trong đường dây của mình là Goswami và Hussein để nhận  hơn 500kg  heroin.

Tuy nhiên, khi đến gần cuối chiến dịch, DEA và Chính phủ Kenya lo ngại rằng thông tin bị rò rỉ. Cảnh sát Kenya thường chỉ kiếm được dưới 200 USD mỗi tháng. Lương thấp như vậy nên dễ nảy sinh tham nhũng.

“Băng đảng ma túy đã mua chuộc một số cán bộ của chúng tôi và điều này là rất đáng buồn. Chúng tôi nhận được thông tin rằng những chiếc xe cảnh sát và cứu thương đang sử dụng để vận chuyển ma túy trong Mombasa và các khu vực dọc bờ biển”, Chủ tịch của Mombasa, Nelson Marwa cho biết.

Trong những ngày gần kề cuộc đột kích, đơn vị chống ma túy Kenya (ANU) đột nhiên chuyển công tác gần 30 cảnh sát ra khỏi Mombasa. Sợ nạn tham nhũng, DEA 3 năm qua đã giúp Kenya thành lập một đơn vị đặc biệt trong ANU.

Những thành viên trong đơn vị này phải vượt qua nhiều cuộc kiểm tra bao gồm cả kiểm tra nói dối. Cơ quan điều tra tội phạm của Anh (NCA) cũng tiến hành ra soát và kiểm tra tương tự với quan chức địa phương.

Sau nhiều ngày chờ đợi thời cơ, vào đúng 1 giờ 30 phút ngày 10 /11/2014, ANU đã tấn công vào ngôi biệt thự, tóm gọn bộ sậu của đường dây buôn bán ma túy xuyên lục địa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm