'Em yêu' trong nhật ký trở về từ Mỹ của một liệt sĩ

31/12/2016 - 09:02
Trong cuốn nhật ký còn nhòa vết máu của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, người được nhắc đến nhiều nhất là cô gái Hà Thị Rốt với 2 từ trìu mến: 'Em yêu'.

Trong chuyến thăm cuối tháng 5/2015, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã trao lại cho Việt Nam cuốn nhật ký của một người lính Việt Nam. Được biết, cuốn nhật ký này đã lưu lạc ở Mỹ 43 năm.

Người “em yêu” khi ấy là bà Hà Thị Rốt, giờ đã 66 tuổi. Trong căn nhà nhỏ ở huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, khi có người hỏi về người yêu thuở ban đầu, bà Rốt nhìn xa xăm ra cánh đồng làng trước nhà, nước mắt cứ lăn dài trên má. Bà nghẹn ngào: “Ngay khi mở trang đầu tiên của cuốn nhật ký, tôi đã khẳng định, đây là chữ viết của anh Nam, là kỷ vật của anh Nam. Vì trong cuốn nhật ký có một bức họa, hồi anh còn ở nhà đã cho tôi xem, đó là hình anh vẽ một người dùng chân đá vào đầu một tên giặc”.

nhat-ky5.jpg
Rất nhiều trang nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Nam còn nhoè vết máu 

Bà Rốt kể: Trước kia, nhà tôi và nhà anh Nam ở 2 làng cạnh nhau, lúc thanh niên đi hoạt động đoàn cùng nhau đã yêu thương nhau. Năm 1968, tôi và anh cùng đi học tại trường trung cấp nông nghiệp huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, cách nhà 38km, hai chúng tôi đi chung một xe đạp, nhưng bao giờ anh cũng phải đi ra hẳn đầu làng, đợi tôi đi bộ tới mới dám đèo nhau đi học.

nhat-ky1.jpg
Bà Hà Thị Rốt - người phụ nữ được liệt sỹ Nam nhắc tới trong cuốn nhật ký

Kỷ niệm của bà Rốt với liệt sỹ Nam cứ thế ùa về: Tôi và anh Nam nhiều kỷ niệm lắm. Một lần tôi và anh ở trường đi làm lúa, máy bay Mỹ đánh bom sát thương, anh đã kéo tôi nằm ẹp xuống ao bùn, nên cả hai đều may mắn thoát chết, còn lại 8 người đi cùng chúng tôi đã ra đi, vì bom sát thương chỉ nổ ở ngang trời nên những gì trên mặt đất trong tầm bom nổ đều bị tàn phá.

Thời gian chúng tôi ở bên nhau không dài, nhưng vô cùng ý nghĩa. Chiến tranh chống Mỹ bước vào thời kỳ ác liệt, anh Nguyễn Văn Việt là anh trai của anh Nam đã vào chiến trường, nên anh Nam cũng khao khát được vào Nam chiến đấu cùng anh trai.

nhat-ky2.jpg
Ông Nguyễn Văn Chinh, em trai của liệt Sỹ Nguyễn Văn Nam, cho biết: “Dù chưa tìm được hài cốt anh ấy, nhưng cuốn nhật ký này đã trở về với gia đình là như anh Nam đã về đến nhà.

Lúc đó, tình cảm của chúng tôi cũng đã được hai bên gia đình đồng ý đi lại công khai với nhau. Chúng tôi đã đính hôn nhưng anh Nam vẫn viết đơn xung phong lên đường nhập ngũ. Lúc chia tay, anh nói: “Đất nước đang có chiến tranh, mình còn trẻ phải ra trận thôi, còn sống về thì ở với nhau đến đầu bạc răng long, nếu có hi sinh đến mất xác cũng phải chịu”.

Anh nói thế rồi nhập ngũ, trước khi vào chiến trường miền Nam chiến đấu, anh còn được nghỉ tranh thủ về thăm nhà 3 ngày. Chúng tôi quấn quýt bên nhau lúc đó. Tiễn anh lên đường, tôi chỉ tự hứa với lòng mình sẽ đợi anh về để làm đám cưới.

Bà Rốt cho biết, ông Nam đi rồi, bà vẫn học tập tại trường trung cấp nông nghiệp và có nhận được 3 lá thư người yêu gửi về. Một lá năm 1969, hai lá cuối năm 1971, sau đó bặt tăm. Ông Nam là người viết chữ rất đẹp, lại khá đẹp trai, tính quyết đoán, nhưng vô cùng tình cảm, ấm áp đến lạ lùng.

“Đất nước giải phóng, tôi nghĩ anh bận việc, hay bị địch bắt chưa được về. Nhưng đến năm 1976, tôi và gia đình như chết điếng người khi nhận được tin anh Nam và anh Việt đã hi sinh và cùng báo tử một ngày. Anh Việt lớn hơn anh nam 2 tuổi. Tôi đã khóc rất nhiều và chẳng còn thiết sống nữa” – bà Rốt lại sụt sùi lau nước mắt.

Năm 1976, khi biết tin người yêu Nguyễn Văn Nam hy sinh, bà Rốt không định lấy chồng, nhưng do bố mẹ thúc ép quá, năm 1977, bà Rốt đã lấy một người thương binh bị cụt chân làm chồng. Năm 1981, chồng bà mất vì bạo bệnh. Bà Rốt ở vậy nuôi 3 con gái và bố mẹ chồng ở Hoàng Hóa. Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục qua lại gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Nam. Những ngày giỗ Tết ở nhà người yêu cũ, bà vẫn về thắp hương cúng lễ đều đặn.

Ông Nguyễn Văn Chinh, là em trai của liệt sỹ Nguyễn Văn Nam, cho biết: “Anh Nam là người con hiếu thảo, rất thương mẹ. Hồi ở nhà cứ việc nào nặng nhọc anh đều giành lấy để mẹ bớt vất vả. Một điều khá trùng hợp, đúng ngày cuốn nhật ký được phía Mỹ trao trả nước ta, thì mẹ tôi qua đời, bà được phong Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hưởng thọ 96 tuổi. Trước khi mất, bố mẹ tôi cũng đã xây sẵn 2 ngôi mộ gió, để sau này nếu tìm được hài cốt của các anh tôi, thì đưa về nằm bên các cụ.

Tiếp xúc với cuốn nhật ký, đập vào thị giác người xem là những vết máu đỏ đã phai nhạt bởi thời gian. Nhưng xuyên suốt cuốn nhật ký không có một từ nào nhắc tới sự gian khổ hay bom đạn của chiến tranh, mà chỉ nhắc tới sự quyết thắng của người lính trẻ mang theo một mối tình vào chiến trận. Đó là tinh thần rất lạc quan của anh bộ đội cụ Hồ, chỉ có yêu thương và niềm tin mãnh liệt vào ngày mai, vào chiến thắng. Liệt sĩ Nguyễn Văn Nam viết:

“Trăng khuyết rồi trăng lại tròn. 

Quay đi quay lại anh còn yêu em

Xa em, anh chẳng có quên

Xa em, anh lại có trăng bên rồi…”

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm