Gần 30% người lao động phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ

12/07/2018 - 18:21
Mặc dù kinh tế có cải thiện, thu nhập trung bình của người lao động, đặc biệt là công nhân hiện nay tăng lên; nhưng tổng thu nhập của đại bộ phận người lao động vẫn là “vừa đủ sống”, thậm chí có tới 26,5% người được hỏi phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống.

 Chiều nay 12/7, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị công bố kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2018. Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐVN), khảo sát tiến hành với hơn 3.000 người ở 25 tình/thành phố có đông lao động khu vực công nghiệp, dịch vụ và đại diện các loại hình doanh nghiệp và vùng. Qua đó có cơ sở để đề xuất mức tăng lương tối thiểu đang được thỏa thuận tại các buổi họp của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Ông Vũ Quang Thọ cho biết: Nhìn chung, tình hình phát triển kinh tế đang chuyển biến tốt, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, đã có tác động tích cực đến việc làm, đời sống của người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài tiền lương cơ bản, làm việc còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập. Ông Vũ Quang Thọ cho biết người lao động làm thêm giờ nhiều “không phải vì thích hay vì muốn làm thêm giờ. Họ phải nai lưng ra làm thêm, thức đêm tăng ca chỉ bởi tiền lương “không đủ sống”.

lao-dong-nu-1.jpg
Theo khảo sát, tổng thu nhập trung bình của người lao độnggần 5,53 triệu đồng/tháng; nhưng mức mức chi tiêu trung bình của một hộ gia đình khoảng 7,38 triệu đồng/tháng. Ảnh: H. Hòa

 

Theo kết quả khảo sát, tổng thu nhập trung bình của người lao động (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản là 18,4%). Mặc dù mức thu nhập này tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017; tuy nhiên mức chi tiêu trung bình của một hộ gia đình khoảng 7,38 triệu đồng/tháng. Như vậy mức lương trung bình không đủ trang trải cho mức sống trung bình của người lao động.

Cũng theo kết quả khảo sát này, với thu nhập và chi tiêu hiện nay với điều kiện không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống, thì có 32,1% người lao động cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà người lao động dành dụm để chi tiêu dịp lễ Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái.

Tuy nhiên, có 43,7% cho biết mức thu nhập vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống.

Ngoài ra, người lao động vẫn còn bức xúc, nhất là mức tiền lương còn thấp và không có, hoặc có ít các khoản phụ cấp để nâng cao thu nhập bảo đảm cuộc sống. Các nội dung khác, tuy tỷ lệ có bức xúc không cao, nhưng cũng thể hiện sự không hài lòng của NLĐ với các nội dung liên quan. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động  và đình công vẫn còn xẩy ra.

Theo số liệu của TLĐ, tháng đầu năm 2018, cả nước có 131 cuộc đình công, trong đó các doanh nghiệp FDI là 103 cuộc, chiếm 78,6%; ngành dệt may 48 cuộc, chiếm 36,6 %; giày da có 27 cuộc, chiếm 20,6%; điện tử 20 cuộc, chiếm 15,3%.

 buc-xuc-cua-nguoi-lao-dong.jpg

 Trước  đó, ngày 9/7, Hội đồng tiền lương Quốc gia họp lần thứ 1 để các bên đại diện gồm cơ quan quản lý nhà nước, chủ doanh nghiệp, đại diện người lao động thỏa thuận điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2019.

Đại diện giới chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: “Nhiều năm qua, năm nào chúng ta cũng đã tăng lương tối thiểu. Đề xuất năm tới không tăng để nâng đỡ sức cho doanh nghiệp”. Qua đó, doanh nghiệp để nguồn kinh phí đó cơ cấu lại, đào tạo lại cho người lao động.  

Theo ông Phòng, hầu hết các doanh nghiệp trong, ngoài nước đều đề nghị không tăng lương tối thiểu vùng, để doanh nghiệp có chi phí đào tạo năng lực tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu công việc, trong đó bao hàm cả việc tăng năng suất lao động.

Đánh giá mức độ hài lòng với tiền lương, thu nhập của mình, NLĐ cho biết: 17,2% đánh giá hài lòng, giảm 5,5% so với năm 2017; tỷ lệ 65,7% tạm hài lòng, tăng 13,3%; tỷ lệ 17,1% không hài lòng, giảm 7,8%.

Kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động VN

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm