Gần 4 thập kỷ mới tìm lại được đứa con bị bắt cóc

Nguyên Bách
06/10/2020 - 10:57
Gần 4 thập kỷ mới tìm lại được đứa con bị bắt cóc

Anh Jin Shui (giữa, tên hiện nay là Li Guolin) đã lập gia đình và có 2 con

Sau 38 năm cầu nguyện và chờ đợi, cặp vợ chồng Trung Quốc Su Bingde và vợ Huang Renxiu mới có thể gặp lại cậu con trai bị bắt khỏi nhà khi lên 2 tuổi.

Khoảnh khắc cha mẹ già người Trung Quốc đoàn tụ với con trai thất lạc 38 năm khiến nhiều người xúc động. Nhờ cảnh sát tìm kiếm từ cơ sở dữ liệu ADN quốc gia, cụ ông Su Bingde và vợ Huang Renxiu một lần nữa được ôm con trai Jin Shui (40 tuổi) vào lòng sau 38 năm chia tách.

Vợ chồng ông Su Bingde đã dành gần 4 thập kỷ để tìm kiếm con trai Jin Shui bị bắt cóc ngay tại nhà khi mới 2 tuổi vào năm 1982. Gia đình ông Su Bingde sống giản dị tại ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Thiểm Tây cho đến khi hạnh phúc vỡ tan vì sự kiện đau lòng xảy ra: Jin Shui bị bắt cóc vào lúc nửa đêm 12/5/1982.

Theo truyền thông địa phương, hôm đó ông Su rời nhà đi thăm một người họ hàng. Định tối sẽ về, ông Su không khóa cửa mà để vợ và 2 con ở trong nhà. Tuy nhiên, ông Su lại không về như dự định, còn bà Huang mải cho 2 con vào giường đi ngủ nên cũng không khóa cửa. Sáng hôm sau, bà Huang tỉnh giấc vì con gái muốn đi tiểu. Bà vô cùng hoảng sợ khi phát hiện đứa con trai 2 tuổi biến mất. Huang lập tức liên lạc với chồng và nhờ dân làng tìm kiếm đứa trẻ mới biết đi nhưng họ không tìm thấy dấu vết nào.

Không từ bỏ hy vọng, gia đình bắt đầu cuộc tìm kiếm kéo dài hàng thập kỷ. Ông Su đi đến các thị trấn và thành phố khác nhau với hy vọng tìm thấy bất kỳ thông tin nào về vụ bắt cóc. Nghèo khó nên ông Su phải đi bộ tìm con để tiết kiệm tiền. Người mẹ quá đau buồn nên bị áp lực tâm lý dẫn tới vấn đề về tâm thần, khiến kinh tế gia đình càng sa sút. Cảnh sát địa phương cũng mở cuộc điều tra sau khi cậu bé Shui mất tích, song không có manh mối.

Gần 40 năm sau, người cha tóc đã bạc trắng vẫn không ngừng hy vọng kiếm tìm con trai thất lạc. Ông Su nói, ông bắt đầu dành tiền để lo tang lễ cho mình trong vài năm tới. "Tôi không muốn làm phiền gia đình. Tôi tự mình sắp xếp mọi thứ. Điều duy nhất canh cánh trong lòng là mong mỏi được gặp con trai Jin Shui của tôi", ông nói.

Ước nguyện của gia đình cuối cùng thành hiện thực khi cảnh sát liên lạc với họ vào ngày 15/9/2020. Sau khi so sánh các mẫu ADN trong kho cơ sở dữ liệu quốc gia, cảnh sát đã tìm ra Jin Shui, nay có tên Li Guolin và đã 40 tuổi. Li đã lập gia đình, sống cùng vợ và 2 con trai. Họ sống ở tỉnh Hà Bắc, cách gia đình cha mẹ ruột khoảng 1.104 km.

Họ gặp nhau sau gần 4 thập kỷ xa cách. Video cho thấy gia đình ôm lấy nhau, vỡ òa trong nước mắt. Ông Su vui mừng nói: "Tôi đã đợi ngày này 38 năm rồi. Tôi không nghĩ rằng mình cũng sẽ gặp các cháu trai nữa". Nhiều họ hàng và làng xóm cũng sang chúc mừng gia đình.

Cũng như gia đình ông Su, sau 32 năm đằng đẵng tìm kiếm khắp nơi bằng cách phát hơn 100.000 tờ rơi, xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình, tháng 5/2020, bà Li Jingzhi ở Thiểm Tây đã vỡ òa hạnh phúc khi được đoàn tụ với người con trai tên là Mao Yin đã bị bắt cóc năm 1988. Từ năm 1999, bà Li đã xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình ở Trung Quốc để nâng cao nhận thức của công chúng về hàng nghìn trường hợp trẻ em mất tích trên khắp cả nước cũng như hy vọng con trai bà sẽ nghe được câu chuyện của bà trên truyền hình. Năm 2007, bà Li trở thành tình nguyện viên tại tổ chức phi chính phủ "Baby Come Home" chuyên tìm kiếm những đứa trẻ bị bắt cóc.

Gần 4 thập kỷ mới tìm lại được đứa con bị bắt cóc - Ảnh 2.

Ông Su Bingde (bên phải), vợ và con trai ôm nhau khóc sau 38 năm thất lạc

Phong tục tập quán, nếp sống cũ cùng áp lực có con, nhất là con trai, đã khiến nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em ở Trung Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng. Chỉ vì sự tham lam tiền bạc, nhiều kẻ đã bất chấp lương tri chia rẽ, phá tan đi hạnh phúc của nhiều gia đình. Buôn người trở thành vấn nạn nghiêm trọng trong xã hội Trung Quốc. Ước tính có khoảng 70.000 trẻ em từ sơ sinh đến thiếu niên bị bắt cóc mỗi năm. Những em nhỏ bị bán cho các gia đình giàu có. Một số lớn hơn bị ép đi lao động, ép cưới hoặc trở thành con nuôi trong các gia đình hiếm muộn. Anqi Shen, một chuyên gia tại Đại học Teesside của Anh, cho biết, các bé trai nhỏ tuổi được coi là "món hời" với những kẻ buôn người khi chúng có thể kiếm được khoảng 18.000 USD từ các gia đình tại các tỉnh miền Đông Trung Quốc.

Từ năm 2007, một trang web có tên Baobeihuijia (Em bé về nhà) đã ra đời. Trang web là cầu nối giữa những cặp cha mẹ tìm con và con tìm cha mẹ. Đã có tới 36.741 cặp cha mẹ để lại thông tin cũng như 30.070 đứa trẻ đang tìm kiếm lại cội nguồn của mình. Trang web này đã giúp 1.963 gia đình đoàn tụ với nhau.

Năm 2009, Bộ Công an Trung Quốc đã thiết lập một cơ sở dữ liệu ADN để chống lại nạn buôn người. Theo các quan chức, hơn 6.300 trẻ em mất tích đã được tìm thấy thông qua cơ sở dữ liệu này. Theo ông Gong Zhiyong, Phó giám đốc Cục điều tra hình sự của Bộ Công an, năm 2016, Bộ Công an đã ra mắt hệ thống theo dõi trực tuyến, giúp tìm ra 4.385 trong số 4.467 trẻ em bị mất tích.

Nguồn: SCMP, Washington Post
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm