Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, cho biết: Triển khai thực hiện Bản ghi nhớ (MOU) giữa Việt Nam và Hàn Quốc, trong năm 2018, sẽ tuyển chọn 7.900 chỉ tiêu đi lao động tại Hàn Quốc, trong đó tuyển chọn 6.300 lao động lĩnh vực sản xuất chế tạo và 1.600 lao động lĩnh vực ngư nghiệp.
Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương tổ chức tiếp nhận đăng ký dự thi tiếng Hàn từ ngày 10 đến 13/5 và tổ chức thi cho người lao động lĩnh vực sản xuất chế tạo ngày 23 và 24/6.
Riêng lĩnh vực ngư nghiệp sẽ thi tiếng Hàn từ ngày 20 đến 24/8, kiểm tra tay nghề, đánh giá năng lực từ ngày 3 đến 7/11/2018.
Ông Nguyễn Gia Liêm cho biết thêm, người lao động cư trú dài hạn tại 49 quận, huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố bị tạm dừng tuyển chọn lao động năm 2018, sẽ không được tuyển chọn theo Chương trình EPS năm nay. Các địa phương này có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30% và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn có từ 60 người trở lên; như các huyện thuộc tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, TP Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Quảng Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ.
Về vấn đề lao động đi làm việc tại Hàn quá thời hạn, lưu trú bất hợp pháp, bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: Thời gian qua, song song với biện pháp tuyên truyền, vận động người lao động làm việc tại Hàn về nước đúng thời hạn, phía Việt Nam đã rất nỗ lực hỗ trợ lao động sau khi về nước, làm thủ tục, hỗ trợ người lao động quay trở lại Hàn làm việc lần thứ 2; tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương ở các doanh nghiệp Hàn tại Việt Nam với mức lương cao.
Theo bà Lan, với các trường hợp người lao động vẫn đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn, nếu tự nguyện về nước sẽ được hưởng một số quyền lợi, như không bị xử phạt, được tham gia thi tuyển đi lao động Hàn ở các chương trình tiếp theo…