pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gen Z sẵn sàng chi tiền triệu thuê thợ chụp ảnh ở quán bar
Thay vì chụp ảnh ở quán cà phê hay những góc “chill” quen thuộc, nhiều “gen Z” chuyển sang “sống ảo” ở những quán bar. Ảnh minh họa
Dành 3 triệu đồng cho bộ ảnh phong cách điện ảnh Hong Kong (Trung Quốc) tại một quán bar quen thuộc, Lã Đức Anh (20 tuổi, quận 9, TPHCM) cho biết: "Mình "nghiện" chụp ảnh. Khi có ý tưởng mới, mình sẽ thuê thợ chụp. Chụp ảnh trong bar, pub khiến mình tự tin trước ống kính bởi vừa diễn, vừa chơi mà không sợ nhiều người chú ý. Bộ ảnh chụp trong quán bar của mình được nhiều bạn bè yêu thích".
Lâm Bảo, một người mẫu tự do ở TPHCM, thường chọn quán bar để chụp ảnh. Lâm Bảo chia sẻ, những bộ ảnh chụp tại bar của anh thường nhận được nhiều lời khen từ bạn bè. Những bộ ảnh đó không chỉ giúp anh thỏa mãn đam mê mà còn tạo dựng được hình ảnh chuyên nghiệp trên mạng xã hội.
"Tôi tiêu tốn khoảng 3-10 triệu đồng cho mỗi bộ ảnh chụp ở bar. Số tiền thay đổi phụ thuộc vào tay nghề thợ ảnh, chi phí trang điểm hoặc đầu tư thiết bị ánh sáng. Mỗi lần chụp, tôi cũng tốn thêm 4-5 triệu đồng để mua trang phục, nhuộm màu tóc phù hợp. Tôi không tiếc tiền bởi đầu tư cho sự quan tâm trên mạng xã hội cũng là một trải nghiệm thú vị".
Theo nhiếp ảnh gia Dương Hữu Phước (TPHCM), trước đây anh thường chụp ảnh thời trang, sự kiện nhưng thời gian gần đây, anh nhận được nhiều yêu cầu chụp ở bar của các bạn trẻ. Hữu Phước cho biết, khách hàng của anh đều thuộc "gen Z", khá cầu kỳ trong việc chụp ảnh. Không chỉ thuê thợ ảnh, họ còn thuê trang phục, đạo cụ… để có bộ ảnh "chất như nước cất".
Không tiếc tiền chi cho những bộ ảnh độc đáo, khác biệt, nhiều bạn trẻ mong muốn gây sự chú ý trên mạng xã hội. Với họ, nhiều "like", nhiều bình luận trên mạng xã hội là cách họ "khẳng định" bản thân.
Theo ông Zlatan Krizan, giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Iowa (Mỹ), mọi người có xu hướng so sánh mình với những người khác trên mạng, cố gắng vượt qua bạn bè bằng những bức ảnh để cho thấy cuộc sống của họ thú vị.
"Có một hiện tượng chung là chúng ta tự nâng cao tiêu chuẩn cho chính mình trong việc nhận định thế nào là một bức ảnh thú vị để chia sẻ với mọi người. Chẳng ai muốn bị thua kém", ông chia sẻ trên LiveScience.
Với mong muốn được hoàn hảo trong mắt đám đông, không ít "gen Z" đang tô mình trên mạng xã hội bằng những điều bóng bẩy, khác với thực tế. Việc dành nhiều thời gian trong thế giới ảo, đề cao thái quá hình ảnh bản thân khiến nhiều người bị ám ảnh.
"Bạn vào mạng và ngày nào cũng thấy một số bạn học cũ check-in đi du lịch nước ngoài, ăn uống toàn món đắt đỏ. Rồi bạn nhìn lại mình - mọi thứ đều giậm chân tại chỗ. Bạn bắt đầu tự hỏi mình đã sai ở đâu, thậm chí có thể bị trầm cảm", một "gen Z" cho biết.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TPHCM) nhận định, khi con người lệ thuộc vào các phương tiện ảo, họ dần đánh rơi các giá trị thật. Các nhà tâm lý cũng cảnh báo tình trạng nghiện "sống ảo" có thể khiến những người dùng không nhận được sự chú ý như mong muốn từ mạng xã hội có thể mắc chứng trầm cảm và giảm sự tự tin.