Gen Z thích thú trải nghiệm làm "cô chủ", "cậu chủ" tại cà phê cosplay

Minh Hằng
15/07/2025 - 17:11
Gen Z thích thú trải nghiệm làm "cô chủ", "cậu chủ" tại cà phê cosplay

Quỳnh Anh (trái) cùng nhân viên của quán

Cùng bạn tới trải nghiệm mô hình cà phê cosplay hầu gái ở Hà Nội, Quỳnh Anh có chút ngại ngùng khi được các nhân viên rung chuông chào đón “Mừng cô chủ đã về nhà”.

Cô gái 21 tuổi ở Hà Nội cho biết vốn yêu thích văn hóa cosplay của Nhật Bản. Khi biết có quán cà phê "maid" - nơi những nhân viên nữ mặc đồ hầu gái phục vụ theo phong cách dễ thương như trong hoạt hình Nhật, cô liền tới trải nghiệm thử. Ở đây, nhân viên sẽ xưng hô với khách nam là "chủ nhân"(goshujin-sama), với nữ là "cô chủ" (ojou-sama). Khi vào quán, sẽ được phát "thẻ cư dân" - thẻ tên ghi kèm yêu cầu, đồ uống.

"Nhân viên nói chuyện với tone giọng y như trong hoạt hình. Tôi còn được trải nghiệm chọn trang phục có sẵn, cosplay nhân vật mình yêu thích, cảm giác như đang lạc vào thế giới truyện tranh Nhật Bản", cô gái 21 tuổi nói.

Quỳnh Anh cũng thích thú khi những món ăn cô gọi như: Cơm rang, mì trộn được trang trí họa tiết dễ thương bằng sốt chấm, được cùng nhân viên "đọc thần chú" để ngon miệng hơn. "Những câu thần chú của các nhân vật trong truyện tranh là một phần nghi thức quen thuộc trong văn hóa cà phê maid", Quỳnh Anh nói.

Cũng thử tới mô hình "maid coffee", Vũ Lân ở Hà Nội nói không cô đơn dù đi một mình bởi được gặp những người cùng yêu thích văn hóa Nhật. Đến quán, Lân sẽ được các "hầu gái" cùng trò chuyện, chơi board game, được chia sẻ về những bộ truyện manga Nhật Bản hay cùng phân tích tính cách, trang phục của nhân vật.

"Họ là người lạ nhưng tôi cảm thấy quen thuộc bởi có nhiều điểm chung. Những bản nhạc Nhật Bản mở lên trong quán cũng khiến tôi thấy thư giãn và vui vẻ hơn", chàng trai 18 tuổi nói.

Hơn một tháng nay, trên các nền tảng mạng xã hội, những video trải nghiệm "maid coffee" ở Việt Nam hút hàng triệu lượt xem. Đây là loại hình quán cà phê xuất phát từ Nhật Bản, nơi nhân viên sẽ cosplay, mặc đồ hầu gái (maid) đeo tạp dề trắng, đeo nơ kèm phụ kiện dễ thương. Mục tiêu chính của những quán này là tạo trải nghiệm văn hóa độc đáo và gần gũi cho khách hàng, không chỉ đơn thuần là ăn uống.

Nhiều người trẻ tới trải nghiệm cà phê maid - cà phê hầu gái ở Hà Nội

Ở Nhật Bản, cà phê "maid" xuất hiện từ những năm 2001, đến nay khắp cả nước có hơn 200 quán. Mô hình này cũng khá phổ biến tại một số nước và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore. Tại Việt Nam, hiện có khoảng gần 10 quán, chủ yếu tập trung ở TP HCM và Hà Nội.

Anh Trịnh Xuân Minh, 30 tuổi, chủ của Soru Maid Cafe cho biết anh mở quán từ cuối năm 2023. Thời gian đầu, quán khá vắng, thậm chí những ngày không có khách bởi mô hình còn xa lạ với người Việt, kể cả những người đam mê văn hóa Nhật. Theo anh Minh, chính tên "maid cafe" - cà phê hầu gái cũng khiến nhiều người có định kiến.

Tuy nhiên, anh Minh vẫn muốn thử sức với mô hình mới trong ngành dịch vụ, để khách được trải nghiệm văn hóa nhiều hơn. Tại Soru, khách hàng sẽ được gọi là chủ nhân, cậu chủ, hoặc công chúa và được tiếp đãi như những người chủ thực sự. Khách được chào mừng bằng những câu thoại tiếng Nhật, được nghe các "maid" (hầu gái) hát, chơi game cùng và trò chuyện, tương tác theo phong cách lịch sự. Anh cũng cho biết nhân viên quán cũng phải điều chỉnh tone giọng tự nhiên, gần gũi hơn. Họ sẽ thân thiện trò chuyện với khách thay vì đứng trên sân khấu hay "thần tượng hóa" để phù hợp với văn hóa Việt. Chi phí trải nghiệm từ 50.000-170.000 đồng, tùy theo món và yêu cầu đặc biệt.

"Tuy nhiên, quán có quy định với khách đến, không được phép chụp hình các "hầu gái" để đảm bảo hình ảnh không bị dùng sai mục đích. Khách muốn lưu kỷ niệm sẽ chụp máy phim có sẵn do nhân viên hỗ trợ". Đại diện quán cho biết muốn hướng tới môi trường trải nghiệm lành mạnh, tránh câu view hay gây hiểu lầm.

Từ đầu năm tới nay, quán cũng ghi nhận lượng khách cũng tăng nhiều lần so với năm ngoái, chủ yếu từ 16-30 tuổi. Họ là sinh viên, dân văn phòng đến trải nghiệm, làm việc và có cả những người yêu thích văn hóa Nhật Bản.

"Một phần có lẽ nhờ truyền thông lan tỏa, trên TikTok, những video khách trải nghiệm mô hình cũng thu hút được hàng triệu lượt xem và quan tâm". Anh Minh cho biết sắp tới quán sẽ có khu trang phục cosplay và trang điểm dành cho khách muốn hóa thân thành nhân vật anime, manga mà họ yêu thích, giúp họ vừa có không gian giải trí thư giãn lại được hiểu hơn về văn hóa Nhật.

Hơn 10 năm mở mô hình cà phê hầu gái ở TP HCM, chủ quán Figure Mecha Maid Coffee cho biết ngoài trang trí không gian, nhân viên cũng phải được đào tạo bài bản, mặc trang phục kín đáo, dễ thương.

"Trước đây, đa số khách đều là những người yêu văn hóa cosplay Nhật nhưng hiện tại có cả người lớn, trẻ nhỏ, họ đến để khám phá, trải nghiệm văn hóa cũng như tham gia các trò chơi cùng nhân viên", đại diện này nói.

Gen Z thích thú trải nghiệm làm "cô chủ", "cậu chủ" tại cà phê cosplay- Ảnh 1.

Khách cùng nhân viên chơi game tại một quán maid ở TPHCM. Ảnh: Figure Mecha Maid Coffee

Tuần 4-5 lần ghé quán cà phê maid, Hữu Thịnh, ở Hà Nội coi đây là không gian để anh xả stress, trút bầu tâm sự. Trước đây, khi công việc và học tập căng thẳng, chàng trai 18 tuổi thường thu mình trong phòng đọc truyện tranh, xem hoạt hình, ít tiếp xúc với bên ngoài.

"Tới quán, nhân viên quán như những người bạn cùng chia sẻ về sở thích. Tôi cũng thấy thoải mái đầu óc hơn khi vừa ngồi làm việc vừa ngắm những mô hình đồ chơi hay những bộ trang phục mọi người cosplay đến quán", Thịnh nói.

Theo PGS TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cà phê "maid" là mô hình đã tồn tại lâu đời ở Nhật Bản. Nó nằm trong hệ sinh thái văn hóa Otaku - nơi tôn vinh sự sáng tạo, cosplay, tương tác "giàu cảm xúc" và phong cách phục vụ mang tính siêu thực, trình diễn để lại ấn tượng cho khách. Khi được du nhập vào Việt Nam, đặc biệt là trong giới trẻ yêu thích văn hóa Nhật, nó có thể được xem như một hình thức tiếp biến văn hóa, tiếp thị bán hàng độc đáo.

Việc giới trẻ tìm đến maid coffee để nói chuyện, chơi trò chơi, chụp ảnh trên thực tế không tiêu cực nếu nó diễn ra trong giới hạn lành mạnh. Nó cũng tạo không gian thư giãn, giải tỏa áp lực, đồng thời khơi gợi sự sáng tạo và kết nối cộng đồng cho khách tới.

Từ góc độ tâm lý học xã hội, mô hình này đáp ứng nhu cầu được chú ý, được phục vụ, đồng thời giúp cá nhân trải nghiệm vai trò trong một môi trường có tính chất "thoát ly tạm thời" (escapism) ra khỏi cuộc sống thực với nhiều áp lực. Đặc biệt, trong bối cảnh sự cô đơn và thiếu kết nối thật trong xã hội hiện đại đang ngày càng phổ biến, những trải nghiệm kiểu này có thể khiến khách hàng tạo cảm giác được quan tâm, trở thành cô chủ/ cậu chủ, giúp người trẻ "xả vai" khỏi áp lực thực tại. Một dạng chất an thần tạm thời.

Theo chuyên gia, các cơ quan chức năng cần có những định hướng chính sách để kiểm soát những mô hình này phát triển một cách lành mạnh. Nhân viên tham gia mô hình cần được đào tạo ứng xử chuyên nghiệp với những dạng hành vi quấy rối, bạo lực lời nói. Chủ quán có những cơ chế bảo vệ nhân viên, tố cáo hành vi không đúng đắn.

PGS TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền cũng cho biết hiện Việt Nam đang du nhập nhiều mô hình nhà hàng, khách sạn được xây theo kiến trúc, trang phục, cách phục vụ giống Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước châu Âu.

"Việc mở ra những quán cà phê như cà phê hầu gái mang đậm văn hóa Nhật Bản nếu được tái hiện đúng tính chất sẽ giúp người Việt có cơ hội trải nghiệm và hiểu hơn về văn hóa nước này, từ cách ăn mặc, bưng bê, chào hỏi, cử chỉ điệu bộ khi giao tiếp", ông Trung nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm